Quyết tâm của ngành công thương An Giang năm 2023

13/02/2023 - 07:59

 - Với vai trò nòng cốt của nền kinh tế ở lĩnh vực công nghiệp và thương mại, năm 2023, ngành công thương An Giang đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp để tiếp tục vượt khó, bứt phá, khẳng định được vị thế trụ cột, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hỗ trợ kết nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2023, ngành công thương An Giang đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 11,38-11,55% so năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt từ 103.950-105.440 tỷ đồng, tăng 8,82-10,38%; kim ngạch xuất khẩu 1,17 tỷ USD, tăng 1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 218 triệu USD, tăng 3,53%...

“Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của ngành, Sở Công Thương chủ động tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm” - Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng chia sẻ.

Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Trong lĩnh vực thương mại, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu theo hướng tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu. Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững; hỗ trợ DN mở rộng thị phần tiêu thụ nội địa, đa dạng các kênh phân phối; phát triển đa dạng thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, ngành công thương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở, DN công nghiệp, làm tốt công tác dự báo để xây dựng các giải pháp phát triển công nghiệp phù hợp. Hỗ trợ cơ sở, DN tháo gỡ khó khăn, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo… Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên, vật liệu có lợi thế tại địa phương, các ngành sử dụng công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ lãi suất để kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức cho các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối với các DN công nghiệp hỗ trợ đầu cuối tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội… Hỗ trợ DN thông qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ các DN thực hiện tốt các chính sách trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Để phát triển cụm công nghiệp, Sở Công Thương tăng cường nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp; kêu gọi DN trong và ngoài nước đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến. Hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục để sớm triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hòa An (huyện Chợ Mới), Cụm công nghiệp Mỹ Phú (huyện Châu Phú)…

Ngành công thương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh như: Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) đầu tư xây dựng 2 siêu thị Co.op mart tại thị trấn Chợ Mới và thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới); Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam khảo sát, chọn vị trí thuận lợi để mở rộng hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh, Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi...

Ngành công thương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại như: Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Minh Anh đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại mang thương hiệu GO!; Liên hiệp HTX Việt Nam thực hiện nâng cấp, xây dựng mới trên nền cũ tại một số chợ… góp phần phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, kết nối, hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh; tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tiếp tục phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang, Petrolimex An Giang, hệ thống các ngân hàng... triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Hỗ trợ DN kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước; tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, nhất là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn...

Cùng với phát triển kinh tế biên giới, ngành công thương rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ DN; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống kho hàng hóa, kho trung chuyển, bãi đổ xe, bãi kiểm hàng hóa; phối hợp Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam triển khai một số hoạt động hỗ trợ phát triển logistics...

Năm 2022, Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 11,52% so năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 95.528 tỷ đồng, tăng 19,9%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,16 tỷ USD, tăng 1,45%. Toàn tỉnh có 18/33 cụm công nghiệp được lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 594,85ha, tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư.

HẠNH CHÂU