Siết chặt biên giới
Những ngày trung tuần tháng 5, đường tuần tra biên giới như dài thêm bởi thời tiết mưa nắng thất thường gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát. Trên tuyến biên giới dài khoảng 100km của tỉnh tiếp giáp với Campuchia, lực lượng kiểm soát căng mình phòng chống dịch liên tục suốt hơn 1 năm qua. Nguy hiểm hơn khi tình hình dịch bệnh ở Campuchia đang căng thẳng, mỗi ngày ghi nhận trên 500 ca mắc mới.
An Giang có 100km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở và bến đò ngang tiếp giáp Campuchia. Nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh trái phép vào tỉnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng là rất lớn.
Tăng cường kiểm tra, siết chặt biên giới
Nhận thức được nguy cơ trên, tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biên pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường quản lý, siết chặt biên giới.
Hầu như nơi nào trên tuyến biên giới 100km cũng hằn in dấu chân của lực lượng chống dịch. Hơn 14 tháng dài, toàn tỉnh duy trì xuyên suốt 187 tổ/chốt kiểm soát trên tuyến biên giới. Sau “Sự cố cộng đồng ngày 20-2” gây dịch bệnh bùng phát ở Campuchia, tỉnh tăng dày lên 202 tổ/chốt với quân số hơn 1.700 người, trong đó chủ lực là bộ đội biên phòng phối hợp với quân đội, công an, dân quân chốt chặn, kiểm soát cố định và kiểm soát lưu động để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng lãnh đạo tỉnh An Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên tuyến biên giới huyện An Phú
Tại huyện An Phú, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, huyện tăng cường tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới và nội địa. Có đường biên giới khoảng 42,5km (gần ½ đường biên giới của tỉnh) tiếp giáp Campuchia, từ nhiều tháng nay huyện An Phú duy trì 76 chốt, tổ tuần tra (73 chốt cố định, 3 tổ lưu động), trong đó 51 chốt, tổ đường bộ, 25 chốt, tổ trên đường sông. Tổng số có khoảng 700 người tham gia, gồm: biên phòng, quân sự, công an, hải quan, dân quân tự vệ... Ngoài ra, 11/14 xã, thị trấn thành lập thêm 26 tổ tuần tra lưu động vào ban đêm (hơn 210 người), gồm: công an, quân sự, đoàn thanh niên, ban ấp, y tế, dân quân tự vệ… tham gia.
Điển hình ở xã Vĩnh Hội Đông có đường biên giới khoảng 5,5km tiếp giáp xã Pung Xăng (quận Borei Cholsa, tỉnh Takeo, Campuchia) có nhiều đường mòn, lối mở, gồm đường bộ và đường sông, nên việc kiểm soát xuất, nhập cảnh rất phức tạp. Thời gian qua, xã thực hiện tốt công tác kiểm soát và triển khai mạnh mẽ phong trào “Toàn dân chống dịch”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông Huỳnh Văn Thích (Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Xã phát động cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhân dân tham gia tuần tra ban đêm và được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Mỗi đêm có khoảng 20 người, gồm: cán bộ xã, ấp, giáo viên và nhân dân phối hợp cùng lực lượng các chốt đi tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới. Xã bố trí 2 tổ (tuần tra ở 2 ấp Vĩnh An, Vĩnh Hòa) theo 2 ca từ 19 giờ đến 1 giờ sáng và từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Anh em chúng tôi tăng cường phối hợp để quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát thường xuyên để kịp thời phát hiện những người xuất, nhập cảnh trái phép hoặc người về từ vùng dịch có hướng xử lý và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”.
Thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống dịch
Đây thực sự là “hàng rào sống” giúp kiểm soát biên giới, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. “Tôi rất cảm động khi các xã, thị trấn phát động cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhân dân tham gia tuần tra ban đêm và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Nếu tất cả chúng ta, ai cũng quyết tâm chống dịch cao độ thì sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh từ bên kia biên giới” - Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp (Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện) nói.
Cùng với đó, lực lượng vũ trang duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch; duy trì nghiêm lệnh cấm trại 100% đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ; kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, siết chặt kiểm soát tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới; không để sót lọt đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.
Kiểm soát nội địa
Trong 3 đợt dịch đầu tiên, mặc dù dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cộng với áp lực từ xâm nhập cảnh trái phép nhưng An Giang giữ vững thành quả chống dịch COVID-19.
Tỉnh đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh, không chỉ tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới mà tập trung quản lý trong nội địa. Chính quyền, MTTQ, đoàn thể địa phương phối hợp ngành y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chống dịch; “rà từng đối tượng” người dân từ nơi khác đến hoặc về từ vùng dịch để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Ở các khu chợ, nơi tập trung đông người đều bố trí lực lượng kiểm soát, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (tập trung việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn) và kiên quyết xử phạt vi phạm quy định chống dịch.
Đến ngày 25-5-2021, toàn tỉnh kiểm tra phát hiện 13.450 người không đeo khẩu trang nơi công cộng, qua đó: nhắc nhở 12.285 người, cảnh cáo 347 người, xử phạt 818 người với số tiền 642 triệu đồng.
HỮU HUYNH
Kỳ 3: Phát huy vai trò “tai, mắt” của nhân dân