Rằm tháng Giêng

03/02/2023 - 07:20

 - Sau những ngày Tết Nguyên đán, người Việt sẽ còn nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc vào dịp tháng Giêng. Trong đó, rằm tháng Giêng được xem là sự kiện văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện nét đẹp nhân văn về tư tưởng hiếu kính tổ tiên, sự mong cầu năm mới bình an.

Truyền thống dân gian

Trong những ngày tiết Xuân còn phảng phất đất trời, người Việt khắp nơi nô nức đến chùa lễ Phật. Tuy nhiên, thời điểm được chọn lựa nhiều nhất là rằm tháng Giêng, với quan niệm “cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Không phải ngẫu nhiên, câu nói này trở thành quan niệm phổ biến đến mức nhiều thế hệ người Việt xem đó là chân lý. Bởi lẽ, rằm tháng Giêng không chỉ mang ý nghĩa linh thiêng, mà còn chứa đựng những điều tốt lành, may mắn. Vì vậy, người ta chọn rằm tháng Giêng làm thời điểm thích hợp để bày tỏ lòng thành kính, khát vọng của mình đến thần, Phật và các bậc tiền nhân với quan niệm mọi chuyện trong năm sẽ “đầu xuôi, đuôi lọt”.

Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng bà Lâm Thị Tuyết (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) vẫn giữ thói quen đến chùa lễ Phật, cầu nguyện cho quốc thái dân an, con cháu trong gia đình được bình an, hạnh phúc, việc là ăn thuận lợi. Bà Tuyết cho biết: “Ngày trước, hầu như dịp rằm nào tôi cũng đi chùa lễ Phật để cầu an. Bây giờ đã lớn tuổi nên chỉ đi chùa vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, tháng 10. Mình lớn tuổi rồi, không làm được gì thì đến chùa cầu nguyện cho con cháu. Mà mỗi lần đến chùa lễ Phật, tôi cũng thấy tuổi già nhẹ gánh, lòng vơi bớt muộn phiền”. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng, bà Tuyết cố gắng đi viếng càng nhiều kiểng chùa càng tốt. Hiện giờ bà chỉ đi những nơi gần nhà trong khu vực TP. Châu Đốc, như: Chùa Huỳnh Đạo, Bồ Đề Đạo Tràng, chùa Phú Thạnh, chùa Tây An…

Không riêng gia đình bà Tuyết, mà hầu hết những gia đình người Việt tin theo Phật giáo đều sắp xếp thời gian đến với cửa thiềng trong dịp rằm tháng Giêng. Trong không gian trầm mặc của phật đường, họ tìm thấy sự an yên, tái tạo tâm hồn mình để hướng đến hành trình dài phía trước.

Tại những ngôi chùa nổi tiếng của An Giang, như: Chùa Tây An, chùa Hang (TP. Châu Đốc), chùa Kim Tiên, chùa Lầu, chùa Vạn Linh (huyện Tịnh Biên), Thiền Viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn)… đều thu hút rất đông du khách phương xa đến cúng viếng, nhất là trong dịp rằm tháng Giêng. Có những du khách ngoài tỉnh, sau kỳ nghỉ Tết cũng cố gắng sắp xếp đến An Giang vào dịp rằm tháng Giêng để lễ Phật cầu an. Nhiều người xem đó là “lệ” và năm nào cũng quay lại vùng đất “tiền tam giang, hậu thất lĩnh” này.

Nối dài giá trị văn hóa

Có thể nói, rằm tháng Giêng của người Việt gắn chặt với đạo lý của Phật giáo. Đức Phật dạy con người làm điều thiện, sống chan hòa, tâm tĩnh tại, biết ơn cha mẹ, tổ tiên. Và trong dịp rằm tháng Giêng, người Việt thể hiện rất rõ triết lý nhân sinh đó.

Là thế hệ “9X” nhưng bạn Nguyễn Ngọc Đoan Trang (huyện Châu Phú) rất thích đến chùa lễ Phật trong dịp rằm tháng Giêng. Hầu hết những thắng cảnh nổi tiếng tại An Giang đều được Đoan Trang đặt chân đến trong nhiều chuyến đi của tuổi trẻ. Tuy nhiên, vào dịp rằm tháng Giêng, bạn sẽ dành hết thời gian cùng cha mẹ đi chùa.

“Thông thường, gia đình tôi sẽ lập bàn hương án rất trang trọng vào đêm 14 tháng Giêng để cầu nguyện tổ tiên, ông bà phù hộ cho con cháu trong năm mới. Sáng hôm sau, cả nhà mới đi chùa lễ Phật. Mỗi lần đến chùa, tôi có dịp suy nghĩ về mình, về mọi người nhiều hơn để thấy cuộc đời bình an, thánh thiện và nhân ái hơn. Điều đó giúp tôi có thêm sự trưởng thành, vững chãi hơn trước những khó khăn, áp lực trong cuộc sống” - Đoan Trang chia sẻ.

Cô gái trẻ này cho biết, sẽ cố gắng giữ gìn thói quen đến chùa lễ Phật của gia đình vào dịp rằm tháng Giêng. Bởi lẽ, hoạt động tâm linh này là thói quen truyền thống của gia đình, điểm khởi đầu an yên cho năm mới, giúp bạn có thêm niềm tin vào cuộc sống. Hơn hết, đó cũng là dịp để những người trẻ như Đoan Trang sống chậm lại trước guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, để biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên và tin vào điều thiện.

Là “lễ hội” truyền thống trong đời sống của người Việt, rằm tháng Giêng là hoạt động tín ngưỡng tâm linh, phản ánh nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nét đẹp này cần tiếp tục được giữ gìn, phát huy để mỗi dịp đến với cửa thiềng, những bạn trẻ sẽ càng yêu quý gia đình, hiếu kính tổ tiên, biết tìm về sự an nhiên và con đường thiện nguyện trong cuộc sống của mình.


THANH TIẾN