Rút khỏi Trung Quốc, đại gia công nghệ Mỹ chọn đến Việt Nam

10/05/2020 - 09:35

Theo Nikkei, Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam lần đầu tiên trong quý này.

Tai nghe "Made in Vietnam" 

Nikkei dẫn nguồn tin cho biết, 3-4 triệu chiếc AirPods, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới, sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong quý 2/2020. Tuy nhiên, việc dịch chuyển sản xuất này chưa bao gồm những chiếc AirPods Pro, phiên bản cao cấp với tính năng khử ồn.

"Việc sản xuất hàng loạt AirPods ở Việt Nam có thể đã bắt đầu từ hồi tháng 3. Các chuyên gia làm việc cho một nhà cung ứng của Apple thậm chí còn được nhà chức trách Việt Nam cho phép nhập cảnh trong thời điểm các biện pháp kiểm soát Covid-19 được áp dụng trên quy mô toàn quốc", Nikkei cho biết.


Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu sớm nhất là trong tháng 3

Hiện tại, phần lớn những chiếc AirPods đều có xuất xứ Trung Quốc mặc dù một số thiết bị điện tử đeo Made in China đang bị Chính quyền Tổng thống Trump áp thuế. Một chiếc AirPods thông thường có giá 159 USD trong khi AirPods Pro có giá 249 USD.

Tuy nhiên, các sản phẩm chủ chốt của Apple như iPhone và MacBook chưa nằm trong diện bị đánh thuế và vẫn được lắp ráp chủ yếu ở Trung Quốc.

Hai đối tác lớn chuyên sản xuất, lắp ráp sản phẩm cho Apple có mặt tại Việt Nam hiện nay là Foxconn và Pegatron đều là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), ngoài ra còn có khoảng hơn 30 đối tác trong chuỗi cung ứng linh kiện.

Apple khác với rất nhiều nhà sản xuất điện thoại khác trên toàn cầu là không sở hữu, vận hành trực tiếp nhà máy mà chuyển việc này sang cho các đối tác sản xuất, lắp ráp. Phía Apple chỉ cử người trực tiếp giám sát chất lượng sản phẩm.

Dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ cần dần dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Hầu hết các công ty Mỹ, bao gồm cả Apple, đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất ở những quốc gia khác. Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ hay một số nước châu Mỹ và Đông Nam Á đang trở thành những điểm đến ưa chuộng.

Trong đại dịch Covid-19, không chỉ Apple mà nhiều tập đoàn lớn bị gãy chuỗi sản xuất khi Trung Quốc tạm ngưng sản xuất để tập trung phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, Covid-19 có thể coi là “cú hích” mạnh khiến các hãng công nghệ lớn rời Trung Quốc nhanh hơn.

Rục rịch tuyển nhân sự

Thông tin Apple tuyển dụng tại Việt Nam đã gây chú ý trong giới công nghệ. Theo bản tin tuyển dụng trên Linked, Apple đang cần tuyển một vị trí quan trọng là Giám đốc điều hành tại Việt Nam, làm việc tại Hà Nội.

Hãng này cho biết, trong thời gian tới sẽ thành lập một “đội ngũ nhỏ nhưng sẽ sớm phát triển mạnh” tại Việt Nam. Vị trí Giám đốc điều hành sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển thị trường Việt Nam.

Theo Apple, vị trí giám đốc điều hành sẽ dẫn dắt đội ngũ kỹ sự để hỗ trợ cho giai đoạn phát triển sản phẩm mới nhằm đảm bảo tiến độ từ đối tác sản xuất để đạt được sản lượng cao.

Ngoài ra, trong mấy tháng qua, Apple cũng liên tục tuyển dụng nhiều vị trí khác tại Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, trong đó có nhiều vị trí là kỹ sư kiểm tra, đánh giá chất lượng cho các sản phẩm tại các nhà máy của đối tác sản xuất.

Từ năm 2016, Apple lần đầu tiên tìm kiếm một vị trí lãnh đạo cho thị trường Việt Nam. Công ty này từng đặt hàng một đơn vị tuyển dụng để tìm kiếm vị trí Giám đốc phân phối tại Việt Nam. Cuối 2018, trên website của Apple cũng có khá nhiều thông tin tuyển dụng kỹ sư phần cứng và phần mềm tại Việt Nam, làm việc ở cả Hà Nội và TP.HCM.

Đầu năm 2019, Apple cũng đăng tải thông tin tuyển dụng vị trí lãnh đạo kinh doanh, bán hàng tại thị trường Việt Nam.

Việc Apple “rầm rộ” tuyển người tại Việt Nam cho thấy hãng công nghệ Mỹ đang muốn đẩy mạnh dây chuyền sản xuất để có thể sớm ra mắt iPhone 9 vốn đã bị huỷ sự kiện dự kiến ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà máy sản xuất của hãng ở Trung Quốc phải đóng cửa dài hạn. Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.

Theo ĐÔNG SƠN (VietNamNet)