Sắc mới nơi Tả Giàng Phình

08/08/2021 - 08:21

Tả Giàng Phình theo tiếng địa phương là "bãi đất rộng có nắng mặt trời", nằm dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn bốn mùa gió núi hào phóng và sương mù bao phủ, hoang sơ như miền cổ tích, đã từng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim "Thung lũng hoang vắng" của đạo diễn Ðặng Nhuệ Giang, rất được khán giả mến mộ và đoạt giải Fipresci Liên hoan phim quốc tế ở Melbourne (Australia). Miền đất ấy, giờ đang thực sự thức dậy, vươn lên từ khát vọng của những người dân gan góc, kiên trung, bám đất bám bản, chung sức đồng lòng.

Thung lũng Tả Giàng Phình, Sa Pa (Lào Cai) mùa lúa chín. Ảnh: NGỌC BẰNG

Theo con đường trải nhựa mới, uốn lượn theo vách núi quanh co, dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vĩ, qua thác Lạnh, dốc Can Hồ, chúng tôi có mặt ở bản Suối Thầu, sát ngay chân núi Ngũ Chỉ Sơn. Già làng Sùng A Sèo chắc nịch như khúc gỗ nghiến, mái tóc dày, đón chúng tôi ở đầu ngôi nhà gỗ "luồn phang" theo kiểu người H’Mông, nở nụ cười đôn hậu mời khách vào nhà. Nhấp chén trà giảo cổ lam mầu hổ phách, vị nhần nhận đắng nhưng ngọt hậu, giọng trầm ấm của già Sèo đưa chúng tôi về với những truyền thuyết thời kiến tạo địa chất, hình thành dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với đỉnh Phan Xi Păng 3.143 m, được mệnh danh "nóc nhà Ðông Dương" và ngọn núi Ngũ Chỉ Sơn, cao 2.858 m, đứng thứ ba ở Lào Cai sau Phan Xi Păng và Bạch Mộc Lương Tử... Thuở ấy, trời đất còn tối tăm mờ mịt, mặt đất bằng phẳng trơn tru, bỗng xuất hiện một vị thần thân hình vạm vỡ, cao lớn, bước chân đi làm sụt núi lở sông, chuyên làm công việc tạo dựng núi non, sông, biển. Ông gồng sức làm việc hăm hở miệt mài; đào đất đắp lên đồi thấp, núi cao. Chỗ ông lấy đất tạo thành biển rộng và ao hồ. Ông khéo léo tạo nên những suối dài, khe sâu nối với sông con, sông cái, dẫn nước vào ao, vào hồ rồi chảy ra biển rộng. Cuối cùng, ông dồn tất cả đất đá đắp một dãy núi thật cao, vượt tầng mây đen, mây trắng, cao đến tận tầng mây tím, mây xanh, chóp núi nhô đến tận xứ sở nhà Trời. Nhà Trời thấy thế giận lắm, liền sai thần Sấm Sét đến đánh suốt mấy ngày đêm, chớp rạch sáng lòe, đất trời rung chuyển, nhưng không san bằng được, đành quay về chịu tội với Ngọc Hoàng. Dãy núi cao ngạo nghễ ấy bị sứt mẻ, còn lại năm ngọn núi cao ngất như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời cao như thách thức đến tận ngày nay… Những người H’Mông đầu tiên mang họ Hạng, họ Sùng đặt chân đến lập bản nơi đây, đặt tên cho núi là Ngũ Chỉ Sơn, tức là núi Năm Ngón Tay. Hôm chúng tôi đến, thật may, trời quang mây, đứng từ bản Suối Thầu nhìn lên, vách núi cao sừng sững như cột đá chống trời. Sùng A Chơ, một porter (người dẫn đường leo núi) "sừng sỏ" ở Tả Giàng Phình bảo, tuy không cao bằng Phan Xi Păng nhưng ít người leo lên được đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, bởi vách đá dựng đứng, khe sâu hun hút, độ khó gấp chục lần leo Phan Xi Păng. Chỉ những người chí bền sức dẻo, khao khát một lần được đứng trên năm ngón tay huyền bí của tạo hóa mới có thể chinh phục đỉnh núi bốn mùa sương phủ lạnh giá, giấu trong mình "kho thuốc quý vô tận" và đàn khỉ hàng trăm con trên chóp núi sừng sững ấy. Người H’Mông ở Tả Giàng Phình nổi tiếng đi rừng giỏi và những bài thuốc dưỡng sinh, chữa bệnh xương khớp, tim mạch hoàn toàn là thảo dược lấy từ núi Ngũ Chỉ Sơn, chả thế nơi đây được mệnh danh là "thung lũng trường thọ". "Người thọ nhất ở đây là pả (cụ bà) Sùng Thị Khu (108 tuổi), mất cách đây mấy năm; ở bản Sín Chải, Suối Thầu hiện giờ có hai pả là hai chị em Hạng Thị Pằng (97 tuổi) và Hạng Thị Dở (100 tuổi) đấy - già Sèo chậm rãi. Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ngũ Chỉ Sơn Hạng A Tủa giở cuốn sổ nhỏ, chìa ra: Ở Tả Giàng Phình, số người từ 80 tuổi trở lên là 29 người, trong đó 14 người từ 90 đến 100 tuổi... Bên hiên ngôi nhà gỗ sờn cũ, lên nước đen bóng, pả Hạng Thị Pằng gầy mảnh, lưng thẳng, tóc bạc phơ đang ngồi trên ghế tẽ ngô và trông một đàn chắt vui đùa trong nắng sớm. Nụ cười móm mém, ánh mắt tinh nhanh, pả bảo: "Mình gần trăm tuổi rồi, không đi nương được thì ở nhà làm cái việc bé bé này thôi". Nghe sao mà nhẹ nhõm, thanh bình đến thế, như tiếng dòng nước chảy êm lặng ngay hiên nhà của pả, trong vắt và mát lạnh như nước đá, rũ đi bao mệt nhọc, bụi trần đường xa tới. Già làng Sèo bảo, đó là dòng nước từ đỉnh núi Năm Ngón Tay "rót" xuống cho dân làng làm ăn sinh sống, quanh năm không vơi cạn. Có lẽ, chính là hạt gạo trên ruộng bậc thang, ngọn rau trong vườn nhà và dòng nước tinh khiết, trong lành từ lòng núi Ngũ Chỉ Sơn chảy ra đã cho pả Pằng và nhiều người ở đây cuộc sống trường thọ. "Người cao tuổi là tài sản quý của địa phương trong việc truyền thụ và bảo tồn tri thức bản địa, cũng như bản sắc văn hóa dân tộc cho lớp con, cháu. Sự trường thọ bí ẩn của các cụ còn là "sức hút" đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước tìm đến du lịch ở địa phương" - Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn Hạng A Sang bảo vậy.

Thào A Dê, chàng trai ở bản Sín Chải vẫn còn nhớ rõ, khi đoàn làm phim "Thung lũng hoang vắng" về Tả Giàng Phình chọn bối cảnh, cậu lọt mắt đạo diễn Ðặng Nhuệ Giang, vào vai cậu bé người H’Mông bỏ học để về nhà đi rừng. "Là đóng phim nhưng cũng là cuộc đời thực của mình đấy, vì nhà có đến 13 anh em nên bố mẹ không muốn cho mình học chữ, bắt ở nhà đi rừng, làm nương để có cái ăn"- Dê nhớ lại. Khi ấy, Tả Giàng Phình như "ốc đảo" cách biệt với bên ngoài, bởi giao thông cách trở, đồng bào H’Mông nơi đây còn nhiều tập tục lạc hậu, sản xuất theo kiểu quảng canh, tự cung tự cấp cho nên thường đứt bữa mùa giáp hạt, Nhà nước phải cứu trợ hằng năm. Không cam chịu nghèo đói và như được tiếp thêm niềm tin và nghị lực từ thầy Tành, cô giáo Minh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để cõng con chữ, đem kiến thức đến cho trẻ em vùng cao còn nhiều gian khó như trong phim "Thung lũng hoang vắng", Thào A Dê đã tự học tự làm, trở thành người đầu tiên ở Tả Giàng Phình thi đỗ đại học. Tốt nghiệp khoa Quản lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Dê trở về Sa Pa nung nấu ý định làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của lớp trẻ quê hương, vươn đến cuộc sống tốt hơn. Anh nộp hồ sơ và trúng tuyển công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Sa Pa. Vừa làm tốt chuyên môn vừa tích cực tham gia hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ, hướng về bản làng vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, sau hơn một năm công tác, Thào A Dê được điều chuyển làm Bí thư Ðoàn phường Ô Quý Hồ, trúng cử đại biểu HÐND thị xã Sa Pa. Cậu bé bỏ học cái chữ để đi nương kiếm cái ăn trong phim năm nào, nay đã thực sự trưởng thành, trở thành niềm tự hào của miền đất bốn mùa mây phủ.

Giữa trưa, nắng bừng lên vàng rượi, chan hòa trên thung lũng Tả Giàng Phình với hàng trăm ao nuôi cá hồi lấp lánh ánh bạc như những chiếc gương trời dưới chân núi Năm Ngón Tay hùng vĩ. Bí thư Ðảng ủy xã Ngũ Chỉ Sơn Vù A Súa sải những bước dài trên con đường bê-tông vắt ngang thung lũng Tả Giàng Phình, cho biết: Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước theo chương trình nông thôn mới, điện - đường - trường - trạm được xây dựng, giao thông thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ôn đới và du lịch cộng đồng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn nước ở đây sạch và lạnh nhất Sa Pa cho nên bà con chuyển từ trồng lúa một vụ sang nuôi cá hồi quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Hơn 80 hộ đồng bào H’Mông, Dao liên kết với nhau theo mô hình HTX, tổ liên gia để nuôi cá hồi, cá tầm; mỗi năm đưa ra thị trường hơn 200 tấn cá nước lạnh, chất lượng cao nhất vùng Tây Bắc, thu về hàng chục tỷ đồng. Nhiều loại cây thuốc quý và bài thuốc gia truyền bao đời của người bản địa được phát triển thành hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Chỉ duy nhất ở Ngũ Chỉ Sơn có loài cây chù dù, vị thuốc "đầu bảng" trong bài thuốc tắm danh bất hư truyền của người Dao lấy từ núi Năm Ngón Tay huyền bí, hồi phục sức khỏe rất nhanh, nay được xã quy hoạch trồng thành vùng tập trung ở Móng Xóa, Sín Chải, Can Hồ..., với khoảng 12 ha, để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến thuốc tắm cô đặc dạng keo, cung ứng cho thị trường phía nam và xuất khẩu.

Đi ngang qua ngôi Trường tiểu học Tả Giàng Phình được xây dựng kiên cố, có sân chơi bê-tông rộng rãi, vườn "nông trại" xanh mướt và rực rỡ sắc hoa hồng cổ trong khuôn viên, Bí thư Vù A Súa khoe, 100% trẻ em ra lớp đến trường trong độ tuổi. Toàn xã Ngũ Chỉ Sơn hôm nay có gần 30 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở về địa phương và thị xã Sa Pa công tác, làm việc ở các doanh nghiệp. Ðó là "những hạt giống quý" của miền đất "mây mù, giá lạnh" góp phần quan trọng cùng chính quyền và người dân vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở thung lũng Năm Ngón Tay.

Theo QUỐC HỒNG (Nhân Dân)