Buổi sinh hoạt định kỳ của Chi hội cà phê đồ xưa Thoại Sơn
Điểm sinh hoạt của chi hội được chủ quán ưu ái một không gian rộng, mát mẻ. Đúng hẹn, các thành viên vận chuyển những món đồ của mình đến trưng bày và khép lại bằng màn đấu giá các món đồ chọn lọc để giao lưu. Chi hội không thu bất kỳ một khoản chi phí nào. Mỗi sản phẩm sau đấu giá, tùy tâm mà cá nhân tự nguyện gửi lại phần trăm để duy trì hoạt động chung.
Nơi đây tập trung những món đồ cổ thuộc dòng gốm (Lái Thiêu, Biên Hòa, Nam bộ xưa), đồ điện tử xưa, vật dụng cá nhân. Có những sản phẩm làm bằng đất nung hiếm hoi được thợ làm thủ công, ít “đụng hàng”… Lại có những đồ cổ không giới hạn về giá trị, có thể lên đến vài chục triệu đồng.
Buổi họp mặt diễn ra nhộn nhịp hơn khi các tay “săn” đồ cổ liên tục cập bến chuyến hàng từ nhiều nơi đổ về, ai nấy tập trung tìm kiếm món hàng mình ưa thích. Nhờ có dịch vụ này, dân sưu tầm đỡ bỏ công tìm kiếm. Họ lùng sục khắp ngõ xóm, đến từng nhà dò hỏi. Đôi khi trong hàng tá đồ ve chai mà người dân bỏ đi lại may mắn mua được món đồ rất giá trị.
Chi hội trưởng Chi hội cà phê đồ xưa Thoại Sơn Trịnh Văn Thu cho biết, ngoài những người trong chi hội (16 thành viên) và người đến từ các huyện khác trong tỉnh, sân chơi này còn có sự góp mặt của người chơi đồ xưa ở nhiều tỉnh, như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Cần Thơ…
Nhiều người có niềm đam mê rất lớn, không chỉ lặn lội đường xa, mà còn chở theo cả khối “tài sản” sưu tập được để giao lưu. Sở dĩ nhiệt tình đến như vậy vì ở nơi họ sống chưa có được một sân chơi quy mô và duy trì đều đặn như nơi này.
Anh Trần Văn Việt, là một trong những “tay” sưu tầm đồ cổ ở xã Thoại Giang. 10 năm trước, khi phong trào chơi đồ cổ trong huyện chưa mạnh, anh Việt đã bén duyên với thú chơi này. Gặp món nào ưng ý là mua về sưu tập, trao đổi với những người cùng sở thích. Sau khi có điểm sinh hoạt ở cà phê Hoàng, anh Việt tham gia và rất tâm đắc vì được phát triển thêm kiến thức, kinh nghiệm, có thể giao lưu và mua bán, chia sẻ những sản phẩm dành tâm huyết tìm kiếm. Ngoài ra, anh còn tăng cường trao đổi các cổ vật trên môi trường mạng, kết nối với người có cùng đam mê trong và ngoài tỉnh.
“Chơi đồ cổ, trước tiên là được thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, kế đến là lợi ích về kinh tế, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi chuyên sưu tập bình bông Nam Bộ nói chung, gốm Biên Hòa, Lái Thiêu… Vì vậy, trong nhà luôn có 40-50 bình, cứ bán ra lại tiếp tục mua vào. Bình bông đẹp và giá trị được đánh giá qua hình thức bên ngoài, giá trị thời gian, nét thẩm mỹ cao, nhìn vào rất hút hồn. Mỗi món đồ thể hiện tài hoa của những họa sĩ xưa, nét vẽ tạo ra hoa văn không cái nào giống cái nào, càng độc đáo càng khiến người chơi thích thú” - anh Việt chia sẻ.
Đối với người chơi đồ cổ, ngoài niềm đam mê, mục đích kinh tế, thú chơi này còn thu hút mỗi người quay về với lịch sử qua từng món đồ họ nghiên cứu, tìm hiểu. Chúng chuyển tải thông điệp rất ý nghĩa của thời gian. Chẳng hạn nhà giàu sẽ lưu lại đồ sành, sứ, kiểu… còn người bình dân thì chơi đồ đá. Gom lại những kỷ vật, ký ức, có những món ngày xưa ông bà không sở hữu được, người ngày nay bỏ công sưu tầm theo nguyện vọng, làm món quà tặng cho ông bà sẽ nhân lên ý nghĩa. Mỗi món đồ thể hiện cách chơi của cá nhân, đặc điểm cuộc sống và nét văn hóa lưu giữ lại của vùng miền. Từng cá nhân theo đuổi thú vui sưu tầm nhóm sản phẩm nhất định đều có cái hay riêng, sở trường, sự am hiểu chuyên sâu…
Trong bộ môn này còn phải kể đến chữ “duyên”. Đơn cử như chiếc máy radio mà ông Trần Hữu Huệ (nghệ nhân chuyên sưu tập tem) bắt gặp hôm trưng bày là chiếc máy của cha ông đã bán hơn nửa thế kỷ trước. Trên hóa đơn còn nguyên vẹn ghi năm 1959, chiếc máy có giá trị 9.000 đồng (tương đương 9.000 USD hiện nay).
Bản thân ông Huệ cũng nhận định nhiều lần trao đổi tem, bìa thư, dù đã biết khá đủ về giá trị của sản phẩm mình sở hữu, nhưng qua nhiều lần “truyền tay” trao đổi, giá trị của chúng được định cao hay thấp cũng gói gọn trong chữ “duyên” là phần nhiều. Tham gia ở sân chơi này khá lâu, ông Huệ cho biết có lúc rất cảm động khi thấy người chơi đồ cổ từ những địa phương khác, như: Cà Mau, Vĩnh Long khởi hành từ rất khuya để có mặt kịp thời ở An Giang giao lưu với chi hội.
Nếu đào sâu tìm hiểu, từng món đồ xưa lần dở ra những câu chuyện rất hay, đều là ký ức một thời mà những người được gọi là “sống hoài cổ” muốn lưu giữ lại. Vì những điều rất thiết thực từ sân chơi này đem lại, mỗi cá nhân tham gia đều ý thức, trân quý, duy trì với mục đích lành mạnh, đúng nghĩa, để những ai có cùng sở thích, đam mê đều có cơ hội được chia sẻ, phát triển hơn hiểu biết, sở trường của mình.
MỸ HẠNH