Du khách kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước khi tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: MINH HÀ
Hà Nội vừa đồng ý chủ trương thí điểm mở trở lại đường bay Hà Nội - Điện Biên và ngược lại. Trên đường bộ, Sở Giao thông vận tải đang gấp rút chuẩn bị đưa vận tải khách vào hoạt động trở lại. Kể từ ngày 14-10, các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách; khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được phép hoạt động. Trong khi, từ trước đó, Sở Du lịch Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch an toàn đưa du lịch Hà Nội phục hồi, phát triển "xanh" hơn, tươi mới hơn.
Sở Du lịch TP Hà Nội thông tin, tính chung chín tháng năm 2021, du lịch Hà Nội chỉ đón được 2,92 triệu lượt khách nội địa, giảm 57,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa giảm 66,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 8,17 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng các khách sạn từ 1 đến 5 sao đạt 21,4%, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính, từ tháng 5 đến nay, tại TP Hà Nội có hơn 95% doanh nghiệp du lịch (cả lữ hành và lưu trú) tạm dừng hoạt động. Tình trạng này khiến hơn 90% lực lượng lao động nghỉ việc do không có việc làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Khi các điểm di tích, văn hóa, khu du lịch vui chơi, giải trí phải đóng cửa, việc kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Theo chuyên gia trong ngành du lịch nhận định, tới nay, hầu như tất cả doanh nghiệp du lịch đã đuối sức. Việc "mở cửa" an toàn trong giai đoạn bình thường mới là nhiệm vụ cấp thiết.
Những ngày này, du lịch Hà Nội liên tiếp đón nhận những tín hiệu vui, khi vấn đề giao thông dần được tháo gỡ: Thêm những đường bay nội địa được mở thí điểm, vận tải khách đường bộ đang được gấp rút chuẩn bị để hoạt động trở lại… Và mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 21, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới. Theo đó, từ ngày 14/10, TP Hà Nội cho phép các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; xe buýt, xe ta-xi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn; các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách; khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ…
Chị Đỗ Hoàng Lan, ở phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19 qua 14 ngày, rất mong được sớm đi du lịch. "Chúng tôi đã có thẻ xanh và rất mong Hà Nội mở lại các điểm du lịch để người dân được nghỉ ngơi, thư giãn sau một thời gian dài chống dịch vất vả", chị Lan chia sẻ.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, hiện nay độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội ngày càng rộng, chi phí, thời gian cho việc xét nghiệm Covid-19 ngày càng rẻ và nhanh hơn. Đó là điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch có thể liên kết, phối hợp với các đơn vị lữ hành đưa khách du lịch bảo đảm tiêu chí an toàn trong tình hình mới.
Để ngành du lịch Thủ đô sớm hồi phục và đón trúng cơ hội tăng tốc, Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu với UBND thành phố Hà Nội xây dựng chi tiết kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" gắn với bốn giai đoạn. Dự kiến ngay trong tháng 10, ngành du lịch sẽ triển khai mở cửa theo giai đoạn ba, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành đủ điều kiện được hoạt động trở lại, chủ yếu phục vụ khách du lịch là người dân Hà Nội tham gia các tua "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội".
Xây dựng tua du lịch "xanh" là giải pháp quan trọng trong việc thu hút du khách thời kỳ "hậu" Covid-19, vì vậy trong thời gian tới ngành du lịch Hà Nội tập trung nâng chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay, trong đó lấy Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn làm trọng tâm tổ chức.
Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khách du lịch, doanh nghiệp và người dân nơi điểm đến, ngành du lịch Hà Nội sẽ phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố Hà Nội xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các khách sạn, điểm du lịch, lữ hành, dịch vụ. Trong đó, quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị, để xây dựng các điểm du lịch "xanh", cơ sở lưu trú "xanh", dịch vụ "xanh" đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, các đơn vị hoạt động du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến đều cho thấy một tâm thế luôn sẵn sàng và có sẵn sản phẩm chất lượng, an toàn, phục vụ du khách khi TP Hà Nội cho phép hoạt động trở lại. Nhiều hiệp hội, câu lạc bộ và doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn đã hình thành và chuẩn bị các sản phẩm du lịch an toàn cho giai đoạn sau dịch. Trong quá trình phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục cùng hiệp hội và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các địa phương; chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và điểm đến Hà Nội trong thời gian tới.
Theo NGUYỄN LÊ (Báo Nhân Dân)