Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thanh niên phải đi đầu trong chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ mới, là nòng cốt trong phát động và thực hiện phong trào "xóa mù tri thức công nghệ" - Ảnh: VGP
Phát biểu tại phiên bế mạc, Phó Thủ tướng chia sẻ ấn tượng về sự vui vẻ, rạng rỡ trên từng khuôn mặt mỗi bạn đoàn viên luôn tràn đầy niềm tin, nhiệt huyết, khát vọng, hoài bão tuổi trẻ trước một nhiệm kỳ mới phía trước.
Sau hơn 2 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm, Đại hội đã hoàn thành rất tốt đẹp Chương trình đề ra. Đặc biệt, trong phiên trọng thể của Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo toàn diện, sâu sắc đối với công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và định hướng những vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong nhiệm kỳ tới.
"Chính phủ luôn tin tưởng rằng Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa mới cùng toàn thể các đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, là hạt nhân dẫn dắt công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, góp phần tích cực, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu", Phó Thủ tướng nói.
Nhiều hoạt động thiết thực hiệu triệu và phát huy thanh niên
Theo Phó Thủ tướng, trong nhiệm kỳ qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện toàn diện, thiết thực, hiệu quả rất nhiều nhiệm vụ đã được đề ra, trong đó cần kể tới Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Với sự quyết tâm, quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, tích cực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chúng ta đã thực hiện thành công Quy chế phối hợp công tác giữa hai bên, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Chính quyền, tổ chức Đoàn các cấp đã tích cực phối hợp trong chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đồng thời phát huy thanh niên thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tăng cường gặp gỡ, trao đổi với thanh niên, làm việc với tổ chức Đoàn để lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu niên, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Đoàn liên quan đến thanh thiếu nhi; có nhiều cơ chế, chính sách đối với thanh niên và công tác thanh thiếu niên, nhi đồng.
Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực hiệu triệu và phát huy thanh niên, nêu cao tinh thần "tiên phong, tương trợ, thích ứng", tham gia hiệu quả vào quá trình phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng do đại dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn giai đoạn 2022 – 2027 - Ảnh: VGP
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có sáng kiến tổ chức chương trình "Triệu túi an sinh"; một triệu túi an sinh trao đi là một người dân khó khăn được góp tình cảm, trợ lực vượt qua những ngày khó khăn của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, những chuyến xe "San sẻ yêu thương" chở nhu yếu phẩm, nông sản, những "Gian hàng không đồng", những cây ATM gạo, cây ATM Oxy, "Triệu bữa cơm"… không chỉ giúp bà con ở Việt nam mà còn được nhắc tới ở rất nhiều nước… và còn rất nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa khác.
"Trong quá trình chống dịch, chống lại "giặc" COVID tôi được chứng kiến những hành động, nghĩa cử cao đẹp, hết sức cảm động của rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn thanh niên và cả học sinh, mà không thể nói hết bằng lời", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Chính phủ đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch. Những kết quả đã đạt được trên là tiền đề quan trọng để Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tiếp tục phối hợp công tác trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập trong công tác phối hợp. Ví dụ, một số nội dung trong công tác phối hợp đã được quy định đối với các bộ, ngành nhưng khi triển khai còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ. Một số chương trình, đề án được nêu ra nhưng tiến độ còn chậm. Đặc biệt công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch chưa được thực hiện thường xuyên.
Khát vọng mãnh liệt, sáng tạo khác thường
Đối với việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn giai đoạn 2022 – 2027, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một số điểm.
Trước hết, về vấn đề khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên, Phó Thủ tướng cho rằng điều cần nhất là khơi dậy tinh thần quốc gia khởi nghiệp, khát vọng "lập nghiệp, kiến quốc" của tuổi trẻ và lan tỏa ra của mỗi người Việt Nam để đất nước thực sự giàu mạnh. Không nhất thiết phải có thu nhập cao nhất nhưng không được nghèo, có được cuộc sống an lành, nhiều tình yêu thương. Tinh thần khởi nghiệp phải được lan tỏa từ chính Đoàn thanh niên, từ thế hệ trẻ ra toàn xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, nói đến thanh niên là nói đến hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ nhưng với việc đưa từ "Khát vọng" vào chủ đề Đại hội lần này cho thấy mỗi bạn trẻ phải có khát vọng mạnh mẽ, mãnh liệt hơn nữa.
Đất nước do rất nhiều hoàn cảnh, đặc biệt do chiến tranh kéo dài, xuất phát, khởi điểm sau chiến tranh, nền kinh tế gần như bị tàn phá, chưa nói đến các vấn đề xã hội. Chúng ta đừng quên những nước phát triển hiện nay (38 nước OECD), 58 nước có thu nhập trung bình cao, đa phần các nước này đã hòa bình hàng trăm năm, đều đã có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, không có nước nào phải trích 30% thu ngân sách hằng năm để đầu tư các công trình hạ tầng như Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 - Ảnh: VGP
Trong quá trình xây dựng Báo cáo phát triển Việt Nam đến năm 2035, thống kê cho thấy sau hơn 20 năm đổi mới (tính đến năm 2014), Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới. Đường lối phát triển của Đảng là cân đối giữa vùng có động lực phát triển mạnh và vùng khó khăn, hài hòa trong từng bước phát triển thay vì chỉ ưu tiên chỗ thuận lợi thì vẫn dành đầu tư cho vùng khó khăn, dù hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hòa bình, an toàn, văn hóa và một nền sản xuất hiện đại. Cụ thể, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trong hơn 30 năm Đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, nhất là trong hai năm 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cùng các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc này vô cùng khó, để làm được thì phải bằng khát vọng mãnh liệt, sự sáng tạo khác thường.
"Chúng ta có khát vọng nhưng phải mãnh liệt hơn nữa, như trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ năm 1946 "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm"; là khát vọng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; khát vọng diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… trong vòng mấy năm, bằng phong trào "Bình dân học vụ" với cách làm sáng tạo vô song, Việt Nam từ một nước hầu hết người dân không biết chữ thành một nước đa số dân số biết chữ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn từng Đoàn thanh niên, từng bạn trẻ khơi dậy được khát vọng đó trong toàn xã hội giống như dân tộc Việt Nam đã chiến thắng những thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất.
"Khát vọng rồi nhưng nếu làm như các nước thì chắc chắn không được mà chúng ta phải làm cách khác, rất sáng tạo", Phó Thủ tướng nói.
Trung ương Đoàn thời gian qua đã sáng tạo trong nhiều công việc, cụ thể như hoàn thành 23 triệu địa chỉ số rất chính xác, tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực. Cách làm đổi mới có thể rất đơn giản như thống kê giáo viên ở từng trường, từng địa phương chỉ một thay đổi nhỏ bằng cách các trường trực tiếp cập nhật lên hệ thống thay vì trường báo lên phòng giáo dục, sau đó báo lên sở giáo dục, rồi lên đến Bộ GD&ĐT. Đoàn thanh niên cũng đã ứng dụng phương thức này vào quản lý các đoàn viên.
"Những thứ tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu chúng ta dám nghĩ khác đi, tổ chức thực hiện đến cùng thì sẽ thay đổi được, có những kết quả không tưởng tượng được. Đổi mới là một quá trình, không chỉ có hoa hồng, phải trăn trở, thai nghén cái mới. Sáng tạo cộng khát vọng mở đường sẽ cho cách làm mới. Người mở đường bao giờ cũng vất vả, thậm chí thiệt thòi. Không phải là thanh niên xung kích thì là ai bây giờ?", Phó Thủ tướng chia sẻ và khẳng định "Nếu không khát vọng, không sáng tạo, đột phá thì không thể nào đạt được mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, phát triển nhanh nhưng phải bền vững".
Trọng trách "Tiên phong", bắt đầu bằng những hành động nhỏ
Các cấp bộ Đoàn, từng Đoàn viên phải được quán triệt rất sâu sắc tinh thần "tiên phong", thể hiện bằng những hành động rất cụ thể, đầy sáng tạo, khát vọng, mở ra những cách làm mới trong từng việc làm, chương trình, đề án.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Phó Thủ tướng cho rằng "chuyển đổi số là thời cơ nhưng giống như một đoàn tàu sẽ qua đi nếu chúng ta không kịp lên tàu". Thanh niên phải đi đầu trong chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ mới, là nòng cốt trong phát động và thực hiện phong trào "xóa mù tri thức công nghệ" giống như phong trào "Bình dân học vụ" trước đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu không khát vọng, không sáng tạo, đột phá thì không thể nào đạt được mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, phát triển nhanh nhưng phải bền vững - Ảnh: VGP/Đình Nam
Về việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, năng lực hội nhập quốc tế của thanh thiếu nhi, Phó Thủ tướng nêu rõ: Yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta mở cửa bước ra thế giới thì điều đầu tiên là giao tiếp, là ngôn ngữ, kể cả khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong dịch thuật thì việc học ngoại ngữ cũng sẽ giúp con người hiểu nhau hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1477/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030". Đoàn thanh niên cần tiếp tục và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động thiết thực để thực hiện thành công Chương trình này.
Để trở thành "công dân toàn cầu" thực thụ, ngoài học ngoại ngữ các bạn trẻ cũng cần học thật nhiều, học sâu hơn ngôn ngữ dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt; cần chú trọng việc tìm hiểu, học hỏi về văn hóa truyền thống rất đỗi tự hào của dân tộc ta; đồng thời tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm của cuộc sống hiện đại, lành mạnh từ thế giới bên ngoài.
"Chúng ta được bạn bè quốc tế trân trọng không chỉ vì anh dũng trong chiến đấu, không phải vì giàu có phát triển mà còn vì chúng ta có một nền văn hiến rực rỡ, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được xây dựng, gìn giữ, trao truyền bằng mồ hôi, nước mắt, máu của bao nhiêu thế hệ cha ông", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến vấn đề bảo vệ trẻ em, bảo vệ thanh thiếu niên trước những nguy cơ bị xâm hại, nguy cơ quyền tham gia ý kiến ở trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội không được tôn trọng, bảo đảm. Trong đó, những hoạt động trên không gian mạng rất phức tạp, đặc biệt với thế hệ trẻ. Những thông tin, hình ảnh, âm thanh có nội dung phản cảm thì dễ nhận biết nhưng cần hết sức chú ý những nội dung, hình ảnh, âm thanh tưởng chừng như bình thường song nếu xem nhiều nội dung tương tự thì sẽ hình thành suy nghĩ, nhận thức lệch lạc, thói quen xấu.
Đối với về vấn bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Chúng ta phải chủ động biết trước để khắc phục, biến nguy thành an, bằng những hành động rất thiết thực. Hiện nay, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam về trách nhiệm bảo vệ môi trường toàn cầu.
Đoàn thanh niên đã tích cực tham gia vào nhiều phong trào như nói không với rác thải nhựa, "trồng mới 1 tỉ cây xanh", và cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tăng cường trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết liên tịch. Trước hết cần tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Còn Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Đảng về công tác thanh niên đã khẳng định "thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Phát huy truyền thống tốt đẹp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với niềm tin, sự ủng hộ và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và của toàn xã hội, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng sau Đại hội, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Vai trò xung kích, mở đường, đi đầu của từng tổ chức Đoàn, Đoàn viên, sự sáng tạo của tuổi trẻ sẽ được khơi dậy mãnh liệt hơn nữa, được tổ chức để tạo thành sức mạnh chung của cả đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đưa Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
Phó Thủ tướng mong muốn, mỗi Đoàn viên thanh niên cần luôn luôn nhớ lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về trọng trách "Tiên phong", bắt đầu bằng những hành động nhỏ như tự đặt cho mình nhiệm vụ mở đường trong một việc nào đó, dù rất nhỏ. "Mở đường bao giờ cũng rất khó khăn nhưng nếu tất cả chúng ta đều là người cùng mở đường vì mục tiêu tốt đẹp thì đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn".
Theo Chính Phủ