“Ngoài 4 loại bèo Tai Tượng, bèo Cái, bèo Hoa Dâu, bèo Tây thì bèo Cám hay còn gọi là bèo Tấm rất đặc trưng của rừng tràm Trà Sư. Vào mùa nước nổi, bèo Tấm có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, tạo thành một thảm nhung mượt mà bao phủ khắp mặt nước vô cùng quyến rũ” - chị Diễm Trinh (nhân viên Trạm Quản lý rừng tràm Trà Sư) tiết lộ.
Thanh bình bát ngát
“Ban đầu, nơi đây là một vùng hoang vu, cỏ mọc nhiều. Năm 1983, chính quyền địa phương cho sạ thử nghiệm tràm Úc trên diện tích khoảng 5.000ha, chạy dài từ huyện Tịnh Biên giáp với huyện Tri Tôn. Năm 2005, rừng Trà Sư được công nhận là một trong những khu rừng đặc dụng của Việt Nam và được khoanh vùng 845ha để bảo vệ nghiêm ngặt bằng hệ thống đê bao khép kín” - Trưởng trạm Quản lý rừng tràm Trà Sư Phạm Tuân kể lại.
Theo khảo cứu, rừng tràm Trà Sư có khoảng 140 loài hệ thực vật, được chia thành 4 loại quần thể khác nhau, gồm: thân gỗ ngập nước chua phèn (cây tràm) chiếm 85% diện tích, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ và 13 loài thủy sinh. Hệ động vật ở Trà Sư rất phong phú với 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim được ghi trong sách đỏ Việt Nam là Cò Lạo Ấn Độ, Cổ Rắn còn gọi là Điêng Điểng. Ngoài ra, Trà Sư còn có 11 loài thú thuộc 4 bộ, 6 họ. Riêng bò sát, ếch, nhái có tới 25 loài thuộc 2 bộ, 10 họ. Cánh rừng ngập nước còn là nơi sinh sống của 140 loài cá, trong đó 10 loài cá xuất hiện quanh năm, 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ.
“Trà Sư có được ưu thế đón lũ đầu nguồn, nên nơi đây hội tụ những nét đặc trưng riêng so với bao khu rừng ngập nước khác. Mỗi khi vào mùa nước nổi, rừng được tháo chua, rửa phèn cải thiện môi trường nước, tăng lượng phù sa. Thủy sản, động thực vật cũng kéo nhau về” - ông Phạm Tuân đã khẳng định giá trị và mục đích của rừng đặc dụng Trà Sư vẫn còn được giữ vẹn nguyên như lúc ban đầu.
Tận dụng mùa hoa tràm nở quanh năm, Ban Quản lý rừng đã thiết kế nhiều dãy tổ nuôi ong sinh lợi. Đây là một trong những bức tranh sống động tuyệt vời của nhiều loài động thực vật tồn tại ở đây. “Nuôi ong trong rừng tràm có lợi nhiều thứ. Vừa giúp đàn ong sinh trưởng tốt, vừa giúp cho cây tràm phát triển bền vững. Một vỉ ong đục 3600 lỗ, vắt được ở mùa khô 250ml mật. Vào mùa nước nổi có thể cho lượng mật gấp đôi” - anh Tri Thanh Phong (nhân viên Trạm Quản lý rừng tràm Trà Sư) chia sẻ.
Vẻ đẹp tuyệt tác của rừng tràm Trà Sư (Nguồn ảnh: Internet)
Kho tài nguyên xanh vô giá
Trà Sư nguyên sơ khơi gợi cảm giác hiền hòa thanh lọc. Những ngày cuối tuần không khói bụi ô nhiễm hay phố xá ồn ào, chỉ có thiên nhiên với nhiều cảnh đẹp nên thơ là nhịp sống xanh rất đỗi tuyệt vời mà ai cũng nên trải nghiệm. Bốn mùa hoa súng, hoa sen nở thành những điểm xuyến duyên dáng bên dòng nước ngọt đầu nguồn. Trên bờ đê, những con đường rợp bóng bạch đàn, hàng trăm giò lan rừng lủng lẳng khoe sắc thắm, đu bám trên hàng cây keo lá tràm xanh ngan ngát. Chính những nét đẹp hoang sơ của “Vương quốc các loài chim” cùng với bầu không khí trong lành, thơ mộng đã đưa danh tiếng rừng tràm Trà Sư vang xa.
Thú vị hơn khi rừng tràm Trà Sư còn là “thiên đường ẩm thực mộc mạc” nhưng vô cùng hấp dẫn. Thưởng thức nhiều sản vật như: cá đồng, bông điên điển, bông súng, rau dừa, rau rừng xanh non là nguồn thực phẩm “sạch - an toàn” cho những món ăn như: lẩu mắm, canh chua… lôi cuốn mọi người.
Đầu tháng 8-2018, tiềm năng du lịch của rừng tràm Trà Sư bước sang trang khi UBND tỉnh An Giang đã cho Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thành viên của Sao Mai Group) thuê 159ha rừng để làm du lịch. Tiếp nhận khu rừng đặc dụng, Sao Mai một mặt giữ nguyên sự độc đáo của mô hình xuồng chèo, tắc ráng đưa, rước du khách len lỏi vào tâm rừng tham quan. Mặt khác, tập đoàn khẩn trương quy hoạch tổng thể theo hướng tôn tạo và bảo vệ tính nguyên bản của rừng tràm Trà Sư. Ở khu vực vùng đệm ngoài, Sao Mai đẩy mạnh đầu tư chuỗi hạng mục liên hoàn để cung cấp dịch vụ tối ưu nhu cầu của du khách như: nhà hàng ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi - giải trí, lầu vọng cảnh… Một không gian đầy sức sống, đa sắc màu được mở ra tại rừng tràm Trà Sư.
Sao Mai quyết tâm thực hiện trọn vẹn ý tưởng khai thác tiềm năng đúng với trữ lượng tài nguyên của rừng đặc dụng Trà Sư. Tất cả như khoác lên chiếc áo mới vừa đằm thắm, dịu dàng nhưng lại không ít kiêu sa, thanh thoát. Về với Sao Mai, giá trị của vẻ đẹp cảnh quan ở đây không chỉ được nâng niu, chăm chút để phát triển bền vững, mà rừng tràm Trà Sư còn được xem như khu sinh quyển ngập nước, nơi vùng núi xen giữa đồng bằng thu hút khách du lịch bốn phương. Sao Mai hứa hẹn trong tương lai sẽ mang hình ảnh rừng tràm Trà Sư vươn xa khắp năm châu.
MỸ HẠNH