Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh minh họa: Vũ Sinh-TTXVN
Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 23-11-2021 với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan thương mại, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại nông sản, thủy sản hai nước. Đây cũng là một hoạt động có nghĩa trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chào mừng chuyến thăm chính thức nhà nước cấp cao của Chủ tịch nước tại Liên bang Nga.
Diễn đàn cũng nhằm các mục tiêu kết nối các doanh nghiệp hai nước đến gần với nhau, thúc đẩy giao thương và gia tăng kim ngạch nông sản, hướng tới mục tiêu tổng kim ngạch thương mại 10 tỷ USD mà hai nước đang phấn đấu.
Việt Nam hiện nay đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều nói chung giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD-năm; trong đó, nông sản chiếm từ 18-20%, tương đương 900 triệu USD-năm.
Con số trên so với tiềm năng kinh tế và quan hệ chính trị lâu đời giữa hai nước có thể nói là vẫn khá khiêm tốn, cần phải cải thiện mạnh trong thời gian tới. Với quy mô dân số hai nước là 250 triệu dân cho thấy quy mô thị trường Việt – Nga rõ ràng là không hề nhỏ, có thể xác định là tâm điểm kết nối của vùng Đông Nam Á.
Đối với thương mại nông sản, theo thống kê phía Việt Nam, giá trị 2 chiều trước năm 2018 chỉ vào khoảng 500 triệu USD-năm. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay đã tăng trưởng mạnh, đều đạt trên dưới 900 triệu USD-năm và khá cân bằng giữa hai nước.
Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu Việt Nam sang Nga là chủ yếu các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và nhập khẩu từ Nga là chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.
Có thể nói, cơ cấu các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, kim ngạch trên vẫn còn thấp so với kỳ vọng và mục tiêu phấn đấu giữa hai nước. Các doanh nghiệp 2 bên cần lưu ý và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (AEAU). Theo Hiệp định AEAU, rất nhiều mặt hàng thuế nông sản hai bên được hưởng mức ưu đãi thấp, có mặt hàng đã giảm về 0% thuế.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, diễn đàn trực tuyến sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan đại diện thương mại trao đổi về tình hình hợp tác song phương. Cùng đó, giới thiệu quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thực phẩm nhập khẩu; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Liên bang Nga.
Diễn đàn cũng hướng dẫn cho doanh nghiệp hai bên nắm bắt, thực hiện, tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản giữa hai nước. Các tổ chức thương mại, hiệp hội ngành hàng trao đổi thông tin về khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản và kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai bên.
Theo BÍCH HỒNG (Báo Tin Tức)