Sau 10 phút ăn lẩu tại quán, 5 người ngộ độc nặng

19/10/2023 - 13:57

Sau khi ăn lẩu và uống rượu được khoảng 10 phút, cả 5 người có biểu hiện ngộ độc nặng, phải nhập viện. Bộ Y tế đề nghị điều tra làm rõ, tạm đình chỉ quán

Ngày 19-10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Bắc Kạn về việc điều tra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin từ Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn) vụ nghi ngờ ngộ độc sau khi ăn lẩu tại quán lẩu Chiêm Còi (đường Thanh Niên, tổ 8, phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).

Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại quán ăn có bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân trên. Trường hợp cần thiết, có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên là Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Cục này cũng yêu cầu Sở Y tế Bắc Kạn tạm thời đình chỉ quán lẩu nêu trên để điều tra nguyên nhân, đồng thời tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định.

Ngành y tế địa phương lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Trước đó, tối 17-10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận 5 trường hợp (gồm 3 nam và 2 nữ) nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 19 giờ ngày 17-10, những người này cùng ăn lẩu tại quán Chiêm Còi. Các món ăn gồm: Nồi nước lẩu bằng xương lợn, có tiết lợn chín, sụn sườn, lòng non, nấm, cháo, rau xanh. Sau khi ăn lẩu và uống rượu được khoảng 10 phút, cả 5 người có dấu hiệu hoa mắt, sắc mặt tái, khô miệng, nôn, trong đó 1 người bị lả tại chỗ.

Tại bệnh viện, các bệnh nhân có dấu hiệu tím tái, khó thở, nôn, lả người, lạnh, huyết áp tụt, đồng tử giãn. Bệnh nhân đã được xử lý xông dạ dày, thở ôxy, bơm rửa đường tiêu hóa theo phác đồ cấp cứu ngộ độc. Sau cấp cứu, điều trị, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân tạm thời ổn định.

Theo Người lao động