Theo Đề án, năm học 2017 -2018, tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sẽ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021
Về bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020, được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Bộ GD&ĐT cho biết, để triển khai định hướng thi trên máy tính từ năm 2021 nên cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính, phần mềm quản lý và tổ chức thi.
Dự kiến, sẽ xây dựng 25 trung tâm tổ chức vệ tinh của Bộ tại nhiều khu vực khác nhau trên cả nước, để triển khai tổ chức thi thử nghiệm trên máy tính giúp thí sinh ở các tỉnh giảm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, liên môn, kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội để trả lời. Đề thi không đặt nặng yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn...
Thực tế cho thấy, việc tổ chức bài thi THPT quốc gia trên máy tính cũng đã được đặt ra ngay từ thời điểm Bộ GD&ĐT chuyển đổi hầu hết các môn thi từ tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm và xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng đánh giá năng lực. Tuy nhiên, do số lượng thí sinh dự thi THPT quá đông nên để làm được điều này, cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, hạ tầng kỹ thuật và ngân hàng đề thi.
Theo HUYỀN THANH (CAND)