Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu địa vật lý và núi lửa quốc gia Italy cho biết núi lửa Campi Flegrei ở miền nam nước này đang có nguy cơ phun trào, giống như vụ phun trào ở Mauna Loa, Hawaii (trong ảnh). Nguồn: EPA-EPE
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Địa vật lý và Núi lửa Italy phối hợp với Đại học College London (Anh), một "siêu núi lửa" ở Italy, mà đỉnh của nó là nơi cư trú của nửa triệu cư dân, sắp phun trào lần đầu tiên kể từ năm 1538. Các nhà khoa học cảnh báo rằng một sự kiện như vậy có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
Nghiên cứu đã sử dụng một mô hình nứt núi lửa để giải thích các hoạt động động đất và mặt đất trồi lên trong khu vực. Đã có hàng chục nghìn trận động đất xung quanh núi lửa Campi Flegrei (nằm gần thành phố Naples) và thị trấn Pozzuoli, nằm trên đỉnh Campi Flegrei, đã bị nâng lên khoảng 4 mét do hậu quả của hoạt động địa chất. Theo nghiên cứu, các trận động đất và đất trồi lên đã kéo căng các phần của núi lửa "gần đến điểm đứt gãy", và mặt đất dường như đang bị nứt ra, thay vì uốn cong. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự suy yếu của lớp vỏ xung quanh núi lửa Campi Flegrei đang “khiến cho một vụ phun trào có nhiều khả năng xảy ra hơn”.
Campi Flegrei có nghĩa là "cánh đồng cháy". Ngọn núi lửa này đã "thấp thỏm" hoạt động trong hơn 70 năm qua, với những đợt bất ổn kéo dài tới hai năm xảy ra vào những năm 1950, 1970 và 1980. Trong 10 năm qua, một giai đoạn bất ổn khác đã diễn ra, mặc dù nó được cho là không đáng chú ý như những đợt trước đó.
Nghiên cứu kết luận rằng mặc dù Campi Flegrei có thể sắp "nứt vỡ", vẫn không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ thực sự dẫn đến một vụ phun trào. Giáo sư Christopher Kilburn, nhà nghiên cứu khoa học trái đất tại Đại học College London và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu mới của chúng tôi xác nhận rằng Campi Flegrei đang tiến gần hơn đến sự đứt gãy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đảm bảo một vụ phun trào [chắc chắn xảy ra]".
Vị Giáo sư giải thích thêm: "Sự đứt gãy có thể mở ra một vết nứt xuyên qua lớp vỏ, nhưng magma vẫn cần được đẩy lên đúng vị trí để xảy ra một vụ phun trào".
Minh họa vị trí núi lửa Campi Flegrei và vùng ảnh hưởng.
Phát hiện trên đã được xác nhận bởi Tiến sĩ Nicola Alessandro Pino thuộc Đài quan sát Vesuvius, người đã báo cáo về kết quả theo dõi “cho thấy các phần của núi lửa đang trở nên yếu hơn”.
Ông Pino cho biết: “Điều này có nghĩa là nó có thể bị đứt vỡ mặc dù những áp lực giằng xé lớp vỏ ra xa nhau nhỏ hơn so với trong cuộc khủng hoảng gần nhất cách đây 40 năm".
Khoảng nửa triệu người Italy hiện đang sống trên vùng trũng tạo thành đỉnh siêu núi lửa này và 1,5 triệu người khác được cho là sống gần bán kính của vụ nổ tiềm tàng. Giáo sư Kilburn cho biết nghiên cứu này, vốn được mô tả là “nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này dự đoán sự nứt vỡ tại một ngọn núi lửa đang hoạt động", đã đánh dấu “một bước thay đổi trong mục tiêu của chúng tôi nhằm cải thiện dự báo về các vụ phun trào núi lửa trên toàn thế giới.”
Quang cảnh bờ biển thành phố Pozzuoli và núi lửa Campi Flegrei. Ảnh: Getty Images
Ông giải thích: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi áp dụng mô hình của mình, dựa trên cơ sở vật lý về cách lớp đá đứt vỡ, trong thời gian thực cho bất kỳ ngọn núi lửa nào".
Nhà khoa học Italy lưu ý: “Mô hình lần đầu tiên chúng tôi sử dụng là vào năm 2017 và kể từ đó Campi Flegrei đã hoạt động như chúng tôi dự đoán, với số lượng các trận động đất nhỏ ngày càng tăng cho thấy áp lực từ bên dưới”.
Theo Giáo sư Kilburn, các nhà khoa học “giờ đây sẽ phải điều chỉnh các quy trình của họ để ước tính xác suất các tuyến đường mới được mở ra để magma hoặc khí tiếp cận bề mặt đất".
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)