Phiên chợ hàng Việt về nông thôn của Tứ Sơn thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm
Đổi mới cách làm
Trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ, Tứ Sơn sẵn sàng đưa hàng Việt về các địa phương muốn tổ chức ngày hội cho Nhân dân tham quan, mua sắm. Với điều kiện tiêu chuẩn có mặt bằng tối thiểu 200-300m2/chuyến hàng, 1.000-1.500m2/phiên chợ, có dân cư xung quanh, cầu đường tải trọng trên 5 tấn. Giám đốc ST Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Mang hàng Việt về NT hòa vốn là hạnh phúc. Mục đích của những chuyến đi là khẳng định thế đứng thương hiệu Việt, tạo cầu nối cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp cận với phong cách mua sắm hiện đại, văn minh; người tiêu dùng được lựa chọn và sử dụng hàng hóa phong phú, chất lượng”. Ngoài trưng bày, bán, giới thiệu hàng Việt, Tứ Sơn còn tổ chức nhiều chương trình Gameshow, tặng quà cho học sinh và bà con nghèo, tổ chức các chương trình văn nghệ, hoàn toàn miễn phí, thể dục - thể thao phục vụ nhu cầu người dân, tạo không khí rộn ràng, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho Nhân dân.
Tất cả các mặt hàng nhập, xuất ở ST đều được tuyển chọn, chính gốc hàng Việt mới cho có mặt ở các phiên chợ, chuyến hàng về NT. Với hơn 9.000 SP lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng... đảm bảo 100% là hàng Việt. Mỗi chuyến hàng, Tứ Sơn chọn 150 nhà cung cấp, sản xuất trong nước luân phiên nhau mang hàng hóa về các phiên chợ và SP, hàng hóa thay đổi theo dòng sự kiện nên lượng hàng hóa lúc nào cũng phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng NT. Bình quân doanh thu mỗi chuyến hàng hơn 100 triệu đồng, mỗi phiên chợ từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Tôn vinh hàng Việt
An Giang được xem là địa phương có nhiều hoạt động nổi bật với mô hình ST lưu động của Tứ Sơn đã được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá rất cao, đưa ra hẳn tiêu chí và yêu cầu Tứ Sơn lên sơ đồ các điểm hàng Việt về NT cho bà con tập làm quen mua sắm văn minh thương mại. “Địa phương nào hiểu được ý nghĩa hàng Việt về NT thì phối hợp rất tốt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”- ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho biết: “Các doanh nghiệp đồng hành với ST Tứ Sơn rất cao, số lượng đăng ký tham gia mỗi năm đều tăng. Hiện nay đã lên con số trên 300 đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ tối đa Tứ Sơn đưa hàng Việt về NT ở tỉnh An Giang”. Tại mỗi chuyến hàng, phiên chợ, Tứ Sơn mang từ 9.000 - 14.000 mặt hàng của hơn 300 doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, nổi tiếng ở Việt Nam. Cùng với đó là cơ hội mua sắm tuyệt vời cho quý khách hàng khi mua sắm với hóa đơn 400.000 đồng được mua ngay 1 trong các mặt hàng có giá lợi ích thiết thực. Ông Sơn nhấn mạnh: “Đây là giá vốn từ nhà sản xuất, nhà cung cấp, ST Tứ Sơn không tính lợi nhuận, tất cả vì mục đích giảm bớt chi tiêu cho khách hàng khi mua sắm. ST Tứ Sơn cam kết SP được bày bán tại phiên chợ đều là SP đạt chất lượng, có uy tín trên thị trường. ST Tứ Sơn không bao giờ tự nâng giá để hô hào giảm giá, hô hào “siêu” ưu đãi”.
Nhiều lãnh đạo địa phương đã trực tiếp liên hệ với Tứ Sơn, mong muốn tổ chức những chuyến hàng Việt về NT nhằm tạo hứng khởi cho doanh nghiệp, cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng cho người dân. Ông Sơn chia sẻ: “Họ thấy được mỗi chuyến hàng, phiên chợ Tứ Sơn đều tổ chức rất hiệu quả, nhờ được khảo sát chọn dòng hàng hóa phù hợp túi tiền người dân nên sức mua sắm tăng rất cao. Đồng thời, do Tứ Sơn làm việc với nhà cung cấp ứng vốn trước từ đó các mặt hàng được bày bán luôn có giá rất tốt, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Và người tiêu dùng chính là người được hưởng lợi nhiều nhất”.
* Lịch đi hàng Việt về nông thôn trên địa bàn trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh tại đây.
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi ghi nhận: “Tứ Sơn là đơn vị chủ lực nhiều năm qua thực hiện chương trình đưa hàng Việt về NT, tạo điều kiện cho người dân NT tiếp cận các SP hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; giúp người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng ngày càng nhiều SP hàng hóa thương hiệu Việt, ngăn chặn có hiệu quả việc sản xuất hàng giả, hàng quá hạn ở NT. Do đó, yêu cầu để thực hiện chương trình đưa hàng Việt về NT hiệu quả hơn, cần sự gắn kết, phối hợp giữa các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá, khảo sát mặt bằng, thống nhất thời gian, địa điểm và phương án tổ chức phiên chợ hàng Việt, chuyến bán hàng lưu động. UBND xã, thị trấn cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp về điện, nước, an ninh trật tự”. |
HẠNH CHÂU