Sinh kế từ nghề làm bánh kẹp

23/11/2022 - 07:18

 - Khởi nghiệp nghề làm bánh với mục đích góp thêm thu nhập cho gia đình, sau 2 năm, chị Võ Thị Lệ Thu (xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã phát triển thành kinh tế chính của gia đình. Từ những khuôn bánh lẻ, với sự hỗ trợ của gia đình, việc làm bánh của chị được “tự động hóa” một phần bởi máy móc, đẩy mạnh đơn hàng cho thị trường, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Cơ sở sản xuất bánh kẹp của chị Lệ Thu

Bánh kẹp giòn là món ăn bình dân, phục vụ đại trà khách hàng và bảo quản lâu hơn so với bánh kẹp mềm đổ bán tại chỗ. Trước đây, nhà của chị Thu là cơ sở cơ khí do chồng sản xuất, còn chị phụ anh các công việc lặt vặt. Mong muốn có thêm việc để kiếm tiền phụ kinh tế, chị Thu trăn trở tìm hiểu nhiều việc.

Thấy một số người làm bánh kẹp, thấy phù hợp với bản thân, chị bèn học theo làm bán. Khởi đầu chỉ là vài khuôn đổ bằng tay, chủ yếu bán trong xóm, mong có đồng ra đồng vào đắp đổi qua ngày. Không ngờ, nhờ duyên buôn bán, chị duy trì đến nay và mở rộng sản xuất thành cơ sở, mỗi ngày làm ra hàng ngàn cái bánh.

Người chồng tận dụng chuyên môn cơ khí nghiên cứu các loại máy hỗ trợ cho việc làm bánh thêm thuận lợi. Nghề chính của anh giờ trở thành nghề phụ tương trợ cho vợ khởi nghiệp hanh thông. “Thấy khách hàng ngày càng nhiều, việc đổ bánh vất vả, chồng tôi nghiên cứu mấy loại máy tự chế tương ứng với một số công đoạn. Từ 6 máy nướng bánh, hiện giờ cơ sở có 55 máy nướng bánh tự động. Ngoài ra, có thêm máy trộn bột, máy làm bánh tự mở nắp theo thời gian cài đặt… Nhờ vậy, việc sản xuất nhanh hơn, đỡ cực vì phải đứng hàng giờ, trở tay liên tục. Đơn đặt hàng kịp tiến độ hàng ngày, không phải lo tính toán chạy đua với thời gian” - chị Thu chia sẻ.

Món bánh kẹp giòn được làm từ nguyên liệu: Bột, trứng, đường, gia vị, nước cốt dừa, mè... trộn theo tỷ lệ phù hợp và nướng nhanh bằng nhiệt. Theo quy trình sản xuất của chị, dù đã có máy móc hỗ trợ, thấy còn vất vả chỗ nào, chồng cải tiến thêm máy giải quyết ngay những khó khăn.

Thành ra, từ vốn nghề của chồng, cơ sở làm bánh kẹp của chị Thu sở hữu dàn máy móc không chỉ “tự động hóa” mà còn mang tính độc quyền, không giống với loại nào trên thị trường. Số khuôn bánh được đầu tư tăng dần, chị thuê thêm lao động trong xóm đến làm việc. Bên cạnh những ưu điểm kể trên, việc sản xuất bằng máy đảm bảo sạch, an toàn hơn. Bánh có thể bảo quản được 3 tháng, vận chuyển được xa hơn, ít hư hao.

Tại cơ sở, bình quân mỗi ngày ra lò 600 bịch bánh kẹp (mỗi bịch 14 cái). Bánh nướng chỉ trong vài giây là chín. Thị trường tiêu thụ hiện rất rộng, phần lớn làm theo đơn đặt hàng. Nhờ giá bình dân nên dễ tiêu thụ, hầu như ngày nào làm ra cũng bán hết. Tại cơ sở của chị hiện có 11 lao động nữ, mỗi ngày có thu nhập từ 100.000 đồng trở lên, chủ yếu thao tác trên máy.

Em Đinh Thị Phương Duy (làm việc tại cơ sở của chị Lệ Thu được gần 1 năm) cho biết, công việc khá nhẹ nhàng. Người mới đến được hướng dẫn để học nhanh vào việc. Phương Duy phụ trách thao tác quấn bánh, hàng ngày đổ được 2 thùng, xong chỉ tiêu là nghỉ, không ràng buộc thời gian. Một thùng nguyên liệu đổ khoảng 3 tiếng rưỡi thành bánh, sau đó chuyển cho bộ phận đóng gói. Nhờ công việc này, Phương Duy tự kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình.

Bên cạnh món bánh kẹp, thấy thị trường hút hàng món cơm cháy, chị Thu đi học để thử sức thêm sản phẩm mới. Cơm được nén từ cơm nếp trên khuôn nhựa, sau khi phơi khô thì đem chiên, cuối cùng rắc gia vị đi kèm. Thêm lần nữa, chồng chị nghiên cứu để sử dụng máy ép cơm thay cho việc ép thủ công. Ngoài ra có thêm máy sấy, rút ngắn thời gian phơi lệ thuộc vào thời tiết, bánh vừa đẹp, vừa đảm bảo vệ sinh và chất lượng. Giai đoạn dịch bệnh, đầu ra sản phẩm vẫn an tâm được tiêu thụ và tăng dần số lượng đến nay.

Chị Thu cho biết, trước đây, mỗi sáng phải cần đến 8 - 9 người vào khuôn cơm mà chỉ được ít bánh. Việc nắn tay lại không khéo, ăn thua ở năng khiếu từng người làm. Đổi lại bây giờ, mỗi ngày tập trung buổi sáng đã có thể sản xuất được 700 bánh cơm cháy, công đoạn ép, sấy đã có máy móc.

Trong 8 giờ, máy cho ra sản phẩm bằng lao động làm đến vài ngày. Nhờ đó, chị giảm được 50% nhân công so với trước. Lao động được chị tuyển dụng linh hoạt hơn về độ tuổi. Người trẻ cần nhanh nhẹn, linh hoạt để thao tác máy nướng bánh kẹp, còn việc làm cơm cháy có thể nhờ các cô lớn tuổi hơn, giúp nhiều người nhàn rỗi có thu nhập.

Mô hình sản xuất của chị Thu là mô hình khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Thọ đánh giá cao vì có thể tạo thu nhập kinh tế gia đình ổn định, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nữ.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích