Sinh viên Campuchia đón Tết

27/02/2018 - 02:49

 - Từ năm học 2007-2008 đến nay, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) đã nhận đào tạo các ngành học cho sinh viên (SV) đến từ các nước Campuchia, Lào. Đây là một phần của chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, với sự thỏa thuận của lãnh đạo các tỉnh, được ký kết trong các năm qua.

Hiện có 15 SV thuộc 2 tỉnh Takeo và Stung Treng (Vương quốc Campuchia) đang theo học tại Trường ĐHAG, trong đó có 10 SV học năm thứ 4 và 5 SV năm thứ nhất. Trước đó, đã có hàng chục SV ở các tỉnh: Takeo, Kandal... theo học tại trường và đã trở về phục vụ quê hương sau khi hoàn thành xong chương trình.

Theo cô Nguyễn Thị Phương Mai (Phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐHAG), đa phần các SV Campuchia theo học lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt và công nghệ thực phẩm. Trong quá trình học tập tại Trường ĐHAG, các SV được cấp học bổng toàn phần từ kinh phí của UBND tỉnh.

“Bên cạnh việc giúp đỡ các SV Campuchia học tập tốt, trường còn quan tâm đến điều kiện sinh hoạt, gia hạn visa và mua bảo hiểm y tế cho các SV. Trong năm, vào những dịp lễ, Tết, các SV còn được hỗ trợ chi phí về thăm gia đình” - cô Mai thông tin.

Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Ký túc xá trong việc hỗ trợ phí ở và quản lý SV trong sinh hoạt hàng ngày, tạo điều kiện tốt nhất cho các em ăn uống, nghỉ ngơi và học tập.

Trước khi bắt đầu chương trình học ĐH, các SV Campuchia được Trường ĐHAG tổ chức học tiếng Việt trong thời gian từ 9-12 tháng. Tuy nhiên, dù đã bắt nhịp trước khi vào học chính thức nhưng ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn nhất đối với các SV Campuchia.

“Thời gian 1 năm để học và giao tiếp thành thạo tiếng Việt là điều không dễ dàng và khó nhất là những từ ngữ chuyên ngành. Mặc dù vậy, em may mắn khi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các giáo viên bộ môn, bạn bè người Việt. Thầy, cô luôn khuyến khích các em tham gia thảo luận trên lớp cũng như các báo cáo chuyên đề để cải thiện điểm số cho môn học.

Các bạn rủ em học nhóm giải bài tập, giải thích những từ ngữ khó, giúp em theo kịp bài học, nâng cao trình độ về ngôn ngữ cũng như vốn kiến thức. Nhờ vậy, em sớm hòa nhập, có thêm động lực phấn đấu, không chán nản bỏ cuộc” - em Chan Sam Neth, SV năm thứ 4 ngành trồng trọt giải thích.

Hiểu được khó khăn của SV Campuchia, Trường ĐHAG luôn tạo điều kiện giúp đỡ, khuyến khích các SV trong học tập. "Học bổng toàn phần từ kinh phí của UBND tỉnh hỗ trợ trang trải đầy đủ các khoản chi phí trong học tập và sinh hoạt. 

Ngoài ra, SV Campuchia còn được tạo điều kiện miễn các học phần về giáo dục quốc phòng, tin học và ngoại ngữ. Đó là những học phần bắt buộc mà các SV Việt Nam phải đạt để đủ điều kiện tốt nghiệp tại Trường ĐHAG” - cô Mai giải thích.

Bên cạnh đó, các SV Campuchia còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm cuộc sống SV trong các hoạt động ngoại khóa do lớp, khoa, trường tổ chức.

“Qua Việt Nam, chúng em có nhiều bạn lắm, từ chung lớp cho đến chung ký túc xá, khi về quê thường rủ em về chơi và được gia đình các bạn đối xử như con cháu trong nhà. Điều đó làm em thấy rất vui, như đang được ở nhà”- em Srey Tum, SV ngành trồng trọt chia sẻ.

Theo thông lệ hàng năm, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, SV thường tranh thủ về với gia đình và SV Campuchia cũng được tạo điều kiện về thăm quê. “Trước khi về quê, chúng em được tham gia đón tiệc Tất niên cùng các bạn, từ nấu ăn, văn nghệ, các trò chơi dân gian... Từ đó, tạo điều kiện cho em cũng như các bạn hiểu thêm về văn hóa độc đáo của người Việt trong tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc” - em Chan Sam Neth hào hứng chia sẻ.

Tuy có khác biệt trong cách tổ chức đón Tết giữa Việt Nam và Campuchia, nhưng có điểm chung là dịp gặp gỡ người thân, bạn bè và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, với hy vọng hưởng một cái Tết đầm ấm, sum vầy, an lành, hạnh phúc. Đó là ý nghĩa tốt đẹp và 2 dân tộc phải luôn giữ gìn truyền thống quý báu này.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích