Sôi nổi bóng đá phong trào

15/09/2022 - 04:02

 - Cơ sở hạ tầng sân bãi được quan tâm đầu tư, nên phong trào bóng đá trên địa bàn tỉnh An Giang phát triển mạnh, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tập luyện. Nhiều câu lạc bộ (CLB) bóng đá được thành lập, hoạt động nền nếp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân, đưa phong trào thể dục - thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.

Là môn thể thao “vua”, bóng đá luôn được yêu thích và thu hút đông đảo người dân tham gia. Cuối buổi chiều hàng ngày, không khí tập luyện, thi đấu giao hữu giữa các CLB bóng đá phong trào diễn ra sôi nổi, hào hứng, dù ở thành thị hay nông thôn, trên sân cỏ nhân tạo hay sân đất.

Đều đặn vào tối thứ 5, anh Nguyễn Văn Tài (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long xuyên, tỉnh An Giang) cùng CLB thi đấu giao hữu bóng đá. “Sau giờ làm việc, tôi thường ra sân cùng anh em đồng nghiệp. Đây là hoạt động thể thao rất bổ ích, vừa giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, vừa tạo mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ nhiều trong công việc. Là người yêu bóng đá, tôi mong muốn có thêm sân chơi dành cho bóng đá phong trào” - anh Tài chia sẻ.

Thi đấu bóng đá

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đào Huỳnh Nhật Duy cho biết: “Thời gian qua, thiết chế thể thao ở cơ sở từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa từ doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ xây dựng công trình TDTT, tổ chức giải thi đấu bóng đá phong trào. Nhờ đó, phong trào bóng đá trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, số lượng người tham gia tập luyện và thi đấu tăng lên”.

Xuất phát từ nhu cầu tập luyện bóng đá, những năm gần đây, nhiều sân cỏ nhân tạo được đầu tư xây dựng, trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của những người yêu thích môn bóng đá. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sân bóng đá, nhiều sân được làm bằng cỏ nhân tạo. Không chỉ đầu tư sân bóng đá mi-ni 5 người, có nơi còn xây dựng sân bóng đá 7 người, 11 người phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu đa dạng của người dân. Các sân cỏ nhân tạo được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, hầu hết do tư nhân bỏ vốn đầu tư và tổ chức kinh doanh.

“Hàng tuần, chúng tôi thi đấu với các CLB bóng đá trong tỉnh, vừa nâng cao sức khỏe, vừa tăng cường giao lưu, gắn kết, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Vào các dịp lễ, Tết, tôi tham gia cùng đồng nghiệp thi đấu giải bóng đá do ngành, địa phương tổ chức” - anh Lê Hoàng Hải (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) chia sẻ.

Nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho người đam mê trái bóng tròn, những năm qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều giải đấu, như: Giải bóng đá công nhân viên chức - lao động, giải bóng đá học sinh, giải bóng đá nông dân… Đây là những giải thể thao truyền thống được tổ chức hàng năm, chất lượng cao, góp phần động viên quần chúng nhân dân tích cực tập luyện. Số lượng CLB bóng đá phong trào ngày càng tăng lên. Từ đó, các trung tâm đào tạo bóng đá cộng đồng được hình thành ngày càng nhiều, hoạt động dưới hình thức xã hội hóa, phát hiện thêm nhiều cầu thủ năng khiếu, tố chất để bồi dưỡng tài năng cho bóng đá tỉnh nhà.

Có thể thấy, việc xuất hiện ngày càng nhiều giải đấu quy mô, chất lượng không đơn thuần là sân chơi dành cho người đam mê bóng đá, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ và rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Bóng đá thực sự là điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh.

LÊ HOÀNG