Sống chậm để thoát khỏi 'ngõ cụt' dịch COVID-19

19/11/2020 - 13:57

Tại một bệnh viện thành phố Valenciennes (miền Bắc nước Pháp), các phòng dành riêng cho bệnh nhân mắc COVID-19 đã kín chỗ.

Các nhân viên y tế đang chăm sóc một thanh niên vừa nhập viện. Dường như kiệt sức vì bị cơn sốt hành hạ, người bệnh tuổi chưa đến 30 tuổi này thở nặng nhọc dù đã được cung cấp đầy đủ oxy.

Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Le Port-Marly, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Bác sĩ Le Beuan quyết định chuyển người bệnh vào phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng tại Valenciennes không còn một giường hồi sức tích cực trống nào. "Tôi không biết sẽ chuyển bệnh nhân đi đâu, nhưng tôi sẽ chiến đấu vì anh ấy cần điều đó"- bác sĩ Le Beuan chia sẻ khi cố gắng gọi điện đến bệnh viện Lille cách đó khoảng 50 km, song tổng đài không trả lời. Vài giờ sau, tin vui đến: một giường hồi sức tích cực tại Valenciennes sẵn sàng đón nhận người thanh niên, do sức khỏe bệnh nhân trước đã khá hơn.

Bệnh nhân trẻ tuổi trên chỉ là một trong số hơn 4.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thể nặng hiện đang phải tiếp nhận điều trị tích cực trên toàn nước Pháp. Con số này tuy chưa bằng đỉnh điểm dịch là hơn 7.000 ca hồi tháng 4, nhưng cũng cao hơn rất nhiều so với khoảng 300 ca hồi mùa Hè và hơn 3.000 ca của hai tuần trước, thời điểm Tổng thống Emmanuel Macron quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của làn sóng dịch thứ hai.

Chỉ 10 ngày sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay- hơn 86.800 trong ngày 7/11, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên "chạm" tới con số 2 triệu bệnh nhân COVID-19 và là quốc gia đứng thứ tư thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil về số ca mắc. Tuy nhiên, theo ông Jérôme Salomon, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp, "những nỗ lực của chúng ta đang bắt đầu kết trái". Những ngày gần đây, số ca mắc bệnh và nhập viện ngày càng giảm. Kết quả này có được nhờ các nỗ lực mỗi cá nhân và tập thể trong việc tuân thủ lệnh giới nghiêm và phong tỏa quốc gia.

Đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai của Pháp, dự kiến kéo dài đến 1/12, có nhiều điểm khác biệt so với lần đầu. Các nhà máy, công trường vẫn hoạt động; làm việc từ xa được yêu cầu ở mức cao nhất; các trường học, từ nhà trẻ đến trung học phổ thông vẫn đón học sinh; các chợ phiên ngoài trời vẫn mở cửa bình thường. Các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân được thực hiện qua lịch hẹn ngày. Đặc biệt, các nhà dưỡng lão vẫn cho phép người nhà đến thăm nhưng với số người hạn chế và trong điều kiện đảm bảo vệ sinh cao nhất. Các bệnh viện chuẩn bị hết khả năng nhân lực và vật lực nhằm đối phó với làn sóng bệnh nhân nhập viện, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng lên chóng mặt hồi đầu tháng 11.

Bác sĩ Maisonneuve, bệnh viện Valenciennes, cho biết trong lần tái phong tỏa này, hoạt động của phòng cấp cứu nơi ông làm việc giảm khoảng 25% so với thời kỳ bình thường. Nơi đây tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân mỗi ngày, 30% trong số đó bị nghi ngờ mắc COVID-19. Không giống như làn sóng đầu tiên, các bác sĩ không cảm thấy như đang húc vào một bức tường, mà họ chờ đợi diễn biến của căn bệnh do đã có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết bệnh lý. Theo ông Mathias Wargon, Trưởng khoa Khoa Cấp cứu bệnh viện Delafontaine, ngoại ô Paris, bệnh nhân hiện nay nhập viện trong tình trạng ít nghiêm trọng hơn so với hồi tháng 4. Ông giải thích: "Có lẽ vì chúng ta chăm sóc các bệnh nhân sớm hơn do đã bớt sợ hãi về căn bệnh này. Chúng tôi bớt căng thẳng hơn trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, công việc lại phức tạp hơn, bởi vì chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận những bệnh nhân cấp cứu vì bệnh lý khác".

Phòng khám của bác sĩ đa khoa Damien Pollet ở Salins-les-Bains đón tiếp nhiều trường hợp mắc COVID-19 hơn đợt phong tỏa mùa Xuân. Bên cạnh những người bệnh có triệu chứng hoặc là trường hợp tiếp xúc với các ca đã có kết quả xét nghiệm dương tính với viru SARS-CoV-2, ông cũng khám cho nhiều người bị trầm cảm. Theo ông, thông thường, các bệnh nhân của ông có 3 thái độ đối với bệnh COVID-19: nhiều người lo lắng sợ hãi, một số khác cố gắng thản nhiên nhưng vẫn lo lắng, chỉ một số ít người là hoàn toàn phớt lờ, muốn dùng kháng sinh và tiếp tục làm việc. "Các cuộc hẹn thường kéo dài, tôi dành nhiều thời gian để giải thích mọi chuyện, nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người phủ nhận thực tế. Đối với trạng thái trầm cảm, nhiều người mắc bệnh do liên quan đến khó khăn kinh tế, đặc biệt là ở những người buôn bán nhỏ" - bác sĩ Pollet giải thích. Ông cho biết câu hỏi các bệnh nhân trăn trở nhất là: "Khi nào thì tất cả những điều này sẽ kết thúc?"

Theo bác sĩ tâm lý Nathalie Leblanc ở quận 15, Paris, hậu quả tâm lý mà dịch COVID-19 gây ra là một thảm họa cho dù hiện nay ít được nhắc tới. Bà nhận định có sự khác biệt đáng kể giữa hai đợt phong tỏa. Trong thời kỳ đầu tiên, nhiều người hoảng sợ và không hề ra khỏi nhà suốt hai tháng. Trong thời gian đó, nhiều tình huống bạo lực xảy ra dưới áp lực tâm lý dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Người dân Paris ra khỏi nhà nhiều hơn trong đợt phong tỏa hiện nay do đã bớt sợ hãi. Tuy nhiên, "nhiều bệnh nhân của tôi có một cảm giác chung là tuyệt vọng khi đối mặt với một thảm họa mà họ nghĩ rằng không thể thoát khỏi" - bà Leblanc nhấn mạnh. "Ngõ cụt" mới này tồn tại ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội. Điểm chung của họ, đặc biệt ở những người đã bị nhiễm virus, là sự "mệt mỏi kéo dài và không dứt". Những người làm việc từ xa cảm thấy bị cô lập và khó dung hòa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Ngược lại, những người làm việc tại chỗ thấy lo lắng trước khối lượng công việc tăng lên và nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Dịch bệnh chưa biết đến thời điểm kết thúc, lo ngại trước khả năng bị sang chấn tâm lý là lý do khiến nhiều người dân Paris quyết định rời thành phố ngay sau đợt phong tỏa đầu tiên, để bắt đầu một cuộc sống mới yên bình hơn ở vùng nông thôn hoặc ven biển. Ở tuổi 50, ông Philippe và vợ cùng cô con gái 7 tuổi đã quyết định "thay đổi số phận", khi đến định cư tại Wimereux, một khu nghỉ mát ven biển quyến rũ tại Côte d'Opale, tỉnh Pas-de-Calais ở miền Bắc. Ông tâm sự: “Ở Paris, chúng tôi đã trải qua đợt phong tỏa mùa Xuân với đầy lo lắng. Vợ tôi làm việc từ xa suốt hai tháng. Từng là quản lý trong một công ty khởi nghiệp, tôi đã bị mất việc. Con gái tôi rất bức bối vì hoàn toàn không được đến trường. Tất cả chúng tôi đều cần không khí". Ngôi nhà mới cách biển 200 m vẫn đang trong thời gian sửa chữa, song cả gia đình ông đang vượt qua đợt phong tỏa thứ hai với một tinh thần thoải mái. "Chúng tôi sẽ không thay đổi quyết định của mình vì bất cứ điều gì", ông Philippe khẳng định.

Bà Claude vẫn chưa dỡ hết đồ đạc ra khỏi các thùng giấy chuyển nhà. Bà đã mua một căn hộ ở Trouville, tỉnh Calvados (Tây Bắc), với dự định về đó khi nghỉ hưu… Sau đó mọi thứ trở nên gấp rút khi đợt phong tỏa đầu tiên kết thúc vào giữa tháng 5. Là cựu giám đốc tài chính của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà Claude đã rời quận 8 của Paris vào mùa Hè để đến ở trong căn hộ nhìn ra sông Touques. “Đi dạo trên bãi biển đẹp hơn rất nhiều so với đi dạo quanh khu nhà phố”, bà tâm sự. Ở đây bà sống chậm hơn nhiều trong khi trước đây rất sợ lãng phí thời gian. Trong cảm giác thanh thản, phương châm sống của bà trở thành "Không sao đâu, ngày mai tôi sẽ làm".

Sự yên tĩnh và không khí trong lành cũng là điều gây ấn tượng với gia đình ông Jean-Marc, những người vừa chuyển đến Déols, một ngôi làng có 7.000 cư dân, ở tỉnh miền Trung Indre. Từng trải qua đợt phong tỏa mùa Xuân trong một căn hộ 60 m2 trên tầng 6, gần đường vành đai Paris, với ba đứa con nhỏ và chiếc thang máy thường xuyên hỏng hóc, ông Jean-Marc không khỏi ngậm ngùi: "Chúng tôi đã trở nên rất cáu kỉnh". Cuộc sống mới của gia đình ông yên ổn hơn nhiều khi mỗi người đều có phòng riêng trong ngôi nhà rộng 100 m2 có sân vườn.

Trên trang Facebook của mình, ông Philippe vừa đăng cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển Wimereux, "với màu sắc đáng kinh ngạc, không cần chỉnh sửa", gây ấn tượng mạnh đối với bạn bè ông. Ông tự nhủ rằng "trong cái rủi có cái may, và có lẽ đại dịch này sẽ làm cho mọi người quyết định đến đây, với những kỹ năng của mình, cùng thúc đẩy sự phát triển của miền đất tươi đẹp này".

Theo LINH HƯƠNG (TTXVN)