Sống tiết kiệm thời dịch bệnh

19/08/2021 - 06:37

NGỌC GIANG

 - Hơn 500 ngày qua, cả nước phải chống chọi với các làn sóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng chính là từng ấy thời gian các gia đình chợt nhận ra, cuộc sống ngày càng khó khăn, chật vật hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở các ngành nghề gia tăng, lao động tự do ngày càng ít việc làm và đến lúc phải ở nhà theo giãn cách xã hội để kiềm chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Những lúc như thế này, nhiều người càng thấm thía hơn về bài học tiết kiệm và dự phòng cho tương lai.

"Tích cốc phòng cơ", câu nói hàm ý cần thiết tích trữ lương thực, ngũ cốc phòng khi đói, tích quần áo phòng khi rét. Nội dung câu nói trên phản ánh tình trạng vì đói kém của người nghèo thuở xưa, nên phải thường xuyên lo cho cái ăn, cái mặc, phòng những khi phải đối mặt với thiên tai, bão lụt…

Đến lúc dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc đi chợ cũng là chuyện khó khăn nhưng không phải vì vậy mà chúng ta, phải đổ xô đi mua và tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhà mà cần hiểu là phải tiết kiệm trong sinh hoạt, hạn chế tiêu xài những thứ xa xỉ, không thiết yếu nhằm đảm bảo có tiền chi tiêu lâu dài trong những thời điểm khó khăn, không thể ra đường làm việc kiếm tiền như ngày thường.

Chị em phụ nữ với phong trào nuôi heo đất (Ảnh chụp trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19)

Thực tế khi tiếp xúc với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm bệnh tật, chúng tôi nhận ra đa phần họ ít khi có kế hoạch chi tiêu hay cách thức tích lũy để đảm bảo nhu cầu chi tiêu thiết yếu của gia đình. Bởi lẽ, cuộc sống của họ lúc nào cũng lo chạy ăn từng bữa, thu nhập từng ngày dựa vào các công việc làm thuê, mướn, bán vé số, nhặt ve chai, gánh hàng rong, phụ hồ…

Tiền kiếm được đã phải tiêu ngay vào gạo, đường, nước tương, mắm, dầu ăn, tiền điện, xăng, điện thoại, nước sinh hoạt, tiền học, bảo hiểm y tế, thuốc men lặt vặt, tiền trường, quần áo cho con… Người thu nhập thấp vẫn luôn trong vòng quay túng quẫn từ ngày này sang ngày khác, đến khi gặp những biến cố lớn hơn, như: đau ốm, tai nạn, thất nghiệp do dịch bệnh sẽ càng dễ bị tổn thương hơn.

Mọi người ở nhà gần 1 tháng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giãn cách xã hội, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều lao động tự do, người bán vé số, bán hàng rong, người làm thuê, mướn cho các công trình không thiết yếu… phải tạm nghỉ. Do vậy, việc chi tiêu khi không có tiền hoặc có rất ít thu nhập tích lũy đã trở thành bài toán nan giải của các gia đình. Với sự chung tay san sẻ từ những tấm lòng hảo tâm, tổ chức thiện nguyện, trợ cấp từ Chính phủ, bữa ăn với cơm, mì gói, gạo, rau, củ sẽ không còn là nỗi lo toan của người dân trong lúc khó khăn này.

Thế nhưng, còn đó những hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền trọ, tiền thuốc cho những lần đau bệnh lặt vặt, tiền đến trường cho các con khi gần đến ngày nhập học. Chính vì những nỗi lo trên khiến không ít cuộc sống các gia đình trở nên bí bách, đầy áp lực trong lúc dịch bệnh. Song, cũng không ít gia đình trong gian khó đã hình thành và giữ thói quen tiết kiệm nên đã không quá lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Tư (người dân ở trọ tại phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Với nghề bán kẹo kéo, kẹo chỉ dạo, một ngày bán đắt tôi có thể kiếm 200.000 đồng nhưng tôi không dám tiêu xài hết mà luôn tự quy định cho bản thân chỉ dùng một ít tiền chợ đủ nấu bữa ăn cho gia đình, một ít để dành đóng tiền trọ, điện nước, số còn lại tôi để dành vào ống heo tiết kiệm.

Đến cuối năm, khi cần mua sắm, chi tiêu gì khác, tôi tự hỏi việc đó có thật sự cần thiết cho cuộc sống gia đình hay không. Nếu không sẽ không tiêu xài hoang phí đồng nào. Mục đích dành dụm là để phòng khi ốm đau hay những lúc dịch bệnh như thế này, mình lấy ra tiêu xài thì không phải lo lắng gì nữa”.

Ông bà ta vẫn dạy câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến thì thất bát lấy ai bạn cùng” ý khuyên bảo lúc dư dả thì không nên hoang phí, lúc khó khăn cần phải cần kiệm để có được đời sống ấm no, bởi “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và dai dẳng, bao nhiêu khó khăn vẫn còn phía trước, đời sống của các gia đình còn chịu nhiều tác động. Hơn lúc nào hết, mọi người cần nâng cao ý thức tiết kiệm, từ việc nhỏ nhất, như: không lãng phí thực phẩm, điện, nước… đến các khoản khác lớn hơn. Làm sao để cân đối các nhu cầu về ăn mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống.

NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích