Di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, địa điểm đầu tiên ghi dấu Người trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đem quân trở lại xâm lược Nam Bộ, nhân dân ta phải bước vào một cuộc chiến đấu mới, đầy khó khăn, thử thách, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết, bảo vệ nền cộng hòa dân chủ non trẻ, đối phó thắng lợi với thù trong, giặc ngoài, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Bước sang những ngày đầu tháng 12/1946, thực dân Pháp gây chiến ở nhiều nơi, chiến tranh đã lan rộng ra cả nước. Trước tình thế vận nước lâm nguy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong một lần sau phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp (Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia): “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền bắc thì Hà Nội giữ được bao lâu?”; đồng chí Võ Nguyên Giáp thưa rằng: “Giữ được một tháng, các thành phố khác ít khó khăn hơn, vùng nông thôn nhất định ta giữ được”. Nghe xong, Người quyết định: “Ta lại trở về Tân Trào”.
Trong tình thế khẩn trương, “nước sôi lửa nóng” của chiến tranh, Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên chiến khu Việt Bắc, tìm địa điểm, chuẩn bị cho việc di chuyển cơ quan của Đảng và Chính phủ; đồng thời, chuyển ngay một số trang thiết bị kỹ thuật về khu căn cứ địa. Người cũng chỉ thị cho đồng chí Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính phải nhanh chóng thu mua muối, bí mật chuyển lên các kho ở Việt Bắc, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Việc xây dựng các cơ sở vững chắc ở các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng rừng núi (như các tỉnh ở chiến khu Việt Bắc) được đẩy mạnh. Nhà máy, kho tàng, đạn dược, lương thực… dần được chuyển từ thành phố về các cơ sở này, trong một thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân vững chắc.
Ngay từ đầu năm 1947, bộ phận đầu não của cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo từ vùng phụ cận Hà Nội trở về Việt Bắc, nơi có thế trận lòng dân vững chắc, địa thế hiểm yếu, với những căn cứ kháng chiến tin cậy và đã được thử thách trong nhiều năm.
Ngày 2/4/1947, Người đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên khi Người trở lại chiến khu Việt Bắc mở đầu hành trình gần 6 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại trên 20 địa điểm khác nhau trên đất Tuyên Quang.
Trong chín năm kháng chiến cũng đã có 14/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 65 cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại Tuyên Quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chuẩn bị họp bàn cùng Thường vụ Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về các chủ trương lớn, các kế hoạch cơ bản để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến: kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự; kế hoạch tác chiến ở các hướng lớn như Đông Bắc, Tây Bắc, Trung du, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ Xuân - Hè 1954.
Thôn Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương là địa điểm đầu tiên Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc trong những ngày đầu trở về lãnh đạo toàn quốc kháng chiến từ ngày 2/4 đến cuối tháng 5/1947.
Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cung cấp, khoảng nửa đêm, ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tám đồng chí vừa là cấp dưỡng vừa là cảnh vệ và một số cán bộ từ phố Đăng Châu về đến nhà ông Ma Văn Hiến ở Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Thời gian đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà ông Ma Văn Hiến, đến cuối tháng 4/1947 người chuyển ra ở và làm việc tại kho thóc của gia đình bà Đinh Thị Tư, là nơi ở của bộ phận cảnh vệ (gọi là lán I). Để giữ bí mật, đầu tháng 5/1947 các đồng chí cảnh vệ đã dựng một căn lán nhỏ cách đó khoảng 100m (gọi là lán II) để Bác tiện làm việc.
Trong thời gian ở đây, Bác đã chủ trì nhiều cuộc họp bàn quan trọng và quyết đáp những vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến như: Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng, bàn việc cụ thể hóa đường lối kháng chiến và rút kinh nghiệm những tháng đầu kháng chiến; Ký Sắc lệnh số 41 về việc thành lập Ủy ban hành chính đặc biệt miền thượng du Thanh Hóa; Chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ, trọng tâm bàn về vấn đề ngoại giao, Bác yêu cầu các vị Bộ trưởng nhanh chóng chuyển vào An toàn khu càng sớm càng tốt; ký Sắc lệnh số 46/SL, về việc bổ nhiệm Đổng lý sự vụ Bộ y tế và Chánh Văn phòng Bộ Y tế; ký Sắc lệnh số 47, quy định về tổ chức của Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu, Cục Chính trị và Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy quân đội.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo kể chuyện về Bác Hồ tại một Hội nghị ở Tuyên Quang.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: "Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn quay trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến đã khẳng định vai trò lịch sử của Tuyên Quang - nơi đặt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, thể hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.
Mảnh đất này có biết bao nhiêu sự kiện quan trọng đã diễn ra và là nơi có một lợi thế đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống của cách mạng, của Đảng, tình cảm của đồng bào các dân tộc đối với Bác Hồ trên mảnh đất Tuyên Quang. Mỗi một địa danh lịch sử trên đất Tuyên Quang, mỗi một căn cứ cách mạng in dấu của Bác sẽ mãi mãi đi vào lịch sử để nói về sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng phong trào cách mạng, bảo vệ Bác trong những bước ngoặt lịch sử".
Theo HẢI CHUNG (Báo Nhân Dân)