Nhiều người bắt đầu ngày mới bằng một tách cà phê ngon để tỉnh táo làm việc. Loại đồ uống này có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có một số nhược điểm.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Y học New England cho thấy uống ít nhất một cốc cà phê mỗi ngày ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của bạn nhưng lại tác động tiêu cực đến giấc ngủ. Cà phê cũng làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Cà phê là loại đồ uống có nhiều tác động tới sức khỏe. Ảnh minh họa: Tastingtable
Theo CNN, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của 100 người trưởng thành khỏe mạnh ở khu vực San Francisco (Mỹ), độ tuổi trung bình là 39. Họ đeo thiết bị theo dõi số bước đi và giấc ngủ. Họ cũng được đo đường huyết liên tục và điện tâm đồ theo dõi nhịp tim.
Những người tham gia được yêu cầu uống bao nhiêu cà phê tùy thích trong 2 ngày, tránh uống cà phê trong 2 ngày kế tiếp. Họ lặp lại chu kỳ đó trong khoảng thời gian hai tuần.
Tác giả chính, Tiến sĩ Gregory Marcus, bác sĩ tim mạch đang giảng dạy tại Đại học California, cho biết, uống cà phê dẫn tới nhiều tác động phức tạp với sức khỏe.
Vào những ngày tình nguyện viên uống cà phê, số bước chân của họ tăng trung bình 1.058 bước so với những ngày không uống. Tuy nhiên, họ cũng ngủ ít hơn 36 phút.
Những người uống cà phê có nhiều động lực hơn để tập thể dục và có thể hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Marcus cảnh báo, mọi người không nên cho rằng uống nước tăng lực hoặc caffeine liều cao để tăng cường tập luyện.
Nghiên cứu lưu ý, lý do khiến những người uống nhiều cà phê ngủ ít hơn có thể do yếu tố di truyền.
Nhóm tác giả đã thu thập các mẫu DNA và phát hiện ra những người ngủ ít hơn sau khi uống cà phê có một số biến thể di truyền nhất định liên quan đến quá trình chuyển hóa caffeine chậm hơn.
Kết quả phân tích ghi nhận, cà phê có thể ảnh hưởng đến tim, với một cốc mỗi ngày dẫn đến nguy cơ ngoại tâm thu thất gây ra rối loạn nhịp tim cao hơn khoảng 50%. Nhưng các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào về mối quan hệ trực tiếp giữa uống cà phê và các cơn co thắt tâm nhĩ sớm.
Bởi vậy, Tiến sĩ Marcus đánh giá: “Kết quả này cung cấp một số bằng chứng thuyết phục rằng bỏ cà phê có thể tốt với những người bị đánh trống ngực liên quan tới ngoại tâm thu thất”.
“Cũng có bằng chứng cho thấy ở một số người, ngoại tâm thu thất có thể dẫn đến suy tim. Vì vậy, nếu ai có nguy cơ suy tim như tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có triệu chứng thì họ nên tránh xa cà phê”, vị tiến sĩ khuyên.
Kiểm soát mức tiêu thụ cà phê của cá nhân là điều nên làm để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, Tiến sĩ Marcus kết luận, không có lý do gì phải lo lắng ngay lập tức: “Mọi người có thể yên tâm rằng chắc chắn không có tác dụng nguy hiểm xảy ra ngay sau khi uống cà phê”.
Theo Vietnamnet