Tác nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ do virus
Đau mắt đỏ do virus, trong đó hay gặp là Adenovirus. Triệu chứng bệnh bao gồm: Chảy nhiều nước mắt, ngứa, ra nhiều ghèn dây, dịch vàng ở mắt, giảm thị lực, sưng cộm mi khó chịu... Mặc dù, virus tấn công khiến mắt bị kích thích chảy nhiều dịch nhưng người bệnh vẫn gặp tình trạng khô mắt khó chịu.
Virus gây bệnh tồn tại trong nước mắt của người bệnh, ngoài ra cũng có trong dịch tiết hô hấp và lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan, đặc biệt trong môi trường trường học, bệnh viện... có thể bùng thành dịch với số người mắc cao.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Tác nhân gây đau mắt đỏ thường gặp là các loại vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus influenzae... So với virus, trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn ít gặp nhưng nguy hiểm hơn, có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng, làm giảm thị lực, thậm chí là mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Nếu điều trị muộn, người bệnh còn có những triệu chứng nặng, như: Viêm loét giác mạc, giảm hay mất thị lực.
Vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong nước mắt, dịch mủ mắt nên có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành.
Đau mắt đỏ do dị ứng
Khác với tác nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn, đau mắt đỏ do dị ứng không lây lan, song thường bị chẩn đoán nhầm. Tác nhân gây kích ứng mắt ở mỗi người có thể khác nhau, thường gặp, như: Thuốc, phấn hoa, bụi bẩn, lông vật nuôi... Người bệnh thường bị đau mắt đỏ dị ứng đi kèm với các triệu chứng dị ứng khác ở da, hô hấp xảy ra theo mùa hoặc địa điểm nhất định.
Dựa trên triệu chứng và thăm khám, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây đau mắt đỏ và tư vấn thuốc điều trị thích hợp.
Giai đoạn toàn phát của bệnh đau mắt đỏ thường tiến triển và kéo dài trong khoảng thời gian từ 5 - 7 ngày. Đây là giai đoạn mà các dấu hiệu của đau mắt đỏ được thể hiện rõ ràng nhất. Biểu hiện đầu tiên là một hoặc cả hai mắt đều bị đỏ. Ngoài ra, tình trạng đau mắt đỏ có thể không đồng đều nhau, có mắt gặp tình trạng nặng hơn mắt còn lại.
Bệnh đau mắt đỏ diễn biến trong bao lâu?
Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, nếu vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt, bệnh thường diễn biến trong khoảng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, đặc biệt trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể kéo dài, thường xuyên tái phát và gây ra biến chứng nguy hiểm, như: loét giác mạc, mù lòa, viêm giác mạc...
Điều trị và chăm sóc cho người bệnh đau mắt đỏ
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà đau mắt đỏ có thể cần thiết phải điều trị hoặc không. Hầu hết trường hợp đau mắt đỏ do virus, bệnh sẽ diễn biến trong vài ngày và tự khỏi. Để giảm nhẹ triệu chứng, người bệnh có thể rửa sạch, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, chườm lạnh để giảm sưng mắt...
Nếu đau mắt đỏ do dị ứng, người bệnh cần tránh xa tác nhân gây dị ứng, phản ứng dị ứng sẽ giảm dần và tình trạng đau mắt đỏ sẽ được cải thiện. Nếu triệu chứng dị ứng đau mắt đỏ nặng, gây khó chịu, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống hoặc thuốc nhỏ mắt để cải thiện triệu chứng.
Bên cạnh việc vệ sinh, điều trị đau mắt đỏ, trong thời gian mắc bệnh người bệnh cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp.
Nghỉ ngơi hợp lý
Khi bị đau mắt đỏ, nên tránh làm việc quá sức, đặc biệt là những công việc căng thẳng, cần hoạt động mắt với cường độ cao trong thời gian dài. Ngoài ra, cũng nên tránh sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy vi tính trong thời gian dài gây yếu, mỏi mắt và khiến đau mắt đỏ nặng hơn.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đau mắt đỏ. Nếu đang gặp phải triệu chứng bệnh như trên, hãy áp dụng biện pháp chăm sóc và đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa, điều trị sớm dứt điểm bệnh.
DS TRẦN VĂN CHÍ (Trung tâm Y tế huyện Phú Tân)