Giá vàng có thể tăng lên 1.550 USD/ounce. Ảnh: AP
Vàng lại trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi đã tăng gần 11,4% giá trị tính tới thời điểm hiện nay. Phần lớn những lần vàng tăng giá đều diễn ra trong thời gian gần đây, bắt đầu từ 30-5. Kể từ đó, giá vàng đã tăng gần 12,87%. Giá vàng đang trên con đường lập kỷ lục mức tăng mạnh nhất hàng tháng 9,49% từ tháng 2-2016.
Có một số nhân tố khiến giá vàng tăng. Đầu tiên là chính sách tiền tệ. Chỉ số đo lường giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) sắp lập kỷ lục giảm mạnh nhất tính theo tháng kể từ năm 2018. DXY giảm gần -1,84% trong tháng này. Do đồng USD yếu, giá vàng đã tăng.
Các nhà đầu tư phần lớn lo lắng kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Dữ liệu kinh tế phần nào đã chứng minh lo ngại này.
Gần đây, khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thừa nhận rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Do đó, FED đã quyết định cần phải hành động với chính sách tiền tệ.
Dựa vào chỉ số đồng USD và giá vàng, có dự đoán FED sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, những người đầu cơ không muốn điều này xảy ra. Theo họ, FED có thể giảm lãi suất ít nhất 50 điểm cơ bản và thời điểm có thể là cuối năm 2019.
Trong mấy ngày qua, giá vàng thế giới liên tục tăng vì quan điểm về chính sách tiền tệ của FED.
Ngoài chỉ số đồng USD, một lý do nữa khiến giá vàng tăng cao là bất ổn địa chính trị ở Trung Đông.
Xung đột gần đây quanh vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ đã khiến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Lần đầu tiên, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực hiện cách tiếp cận kiềm chế hơn và áp dụng trừng phạt thay vì hành động quân sự với Iran.
Tuy nhiên, tình hình tại khu vực nhạy cảm nhất thế giới này cũng có phần phức tạp hơn. Do hai bên chưa thể đối thoại theo con đường ngoại giao nên bất ổn ở khu vực này có thể tiếp tục gia tăng. Do đó, giá vàng sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao và có thể dễ dàng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce.
Một nhân tố quan trọng mà các nhà đầu tư cần chú ý đó là mối tương quan giữa giá vàng và quy mô khoản nợ lãi suất âm. Giá vàng tăng khi quy mô khoản nợ này tăng.
Với chính sách tiền tệ hiện nay của Ngân hàng Trung ương châu Âu và FED, có thể giá vàng sẽ chạm mức 1.550 USD/ounce trong vài tháng tới.
Nói tóm lại, Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tuần này ở Nhật Bản, chính sách tiền tệ của FED, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, bất ổn địa chính trị gia tăng ở Trung Đông có thể tiếp tục khiến giá vàng tăng.
Ngày 25-6, giá vàng giao tháng 8 tại London tăng 1,7% lên 1.442,0 USD/ounce, mức cao nhất từ tháng 5-2013. Sau đó, giá vàng có giảm xuống 1.418,7 USD/ounce vào đầu giờ chiều giao dịch tại New York.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)