Để hiểu được lý do vì sao con người không thể khám phá trọn vẹn sao Mộc, cần phải thấy được quá trình xảy ra khi chúng ta cố gắng đáp xuống hành tinh này. Đầu tiên, phi thuyền của Trái Đất khi hạ cánh xuống sao Mộc sẽ giống như xuống một đám mây lớn vì đây là một hành tinh khí khổng lồ.
Theo các nhà khoa học, khí quyển sao Mộc không hề có oxy mà chỉ có hydrogen và helium, cũng không có bề mặt cứng nào. Tiếp đến, khi đến gần sao Mộc, lực hấp dẫn cả hành tinh này sẽ hút phi thuyền chúng ta với tốc độ 177.027 km/h.
Một lớp khí đặc như bức tường cứng sẽ đợi phi thuyền của ta, dù vậy, phi thuyền sẽ vẫn tiếp tục rơi. 3 phút sau, ta sẽ tới đỉnh của lớp mây dày 250km. Lực quay của sao Mộc nhanh nhất hệ Mặt trời, vì thế gây ra những luồng gió có vận tốc tới 483km/h.
Qua được những trận gió cực mạnh này, ta sẽ rơi thêm khoảng 120,7 km nữa. Năm 1995, tàu vũ trụ Galileo khi khám phá sao Mộc đã phải dừng lại ở độ sâu này. Galileo cầm cự được 58 phút ở đây, sau đó vỡ tan trước áp suất cực lớn gấp 100 lần so với bề mặt Trái Đất.
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời.
Tầm nhìn tại đây bằng 0, phải chiếu đèn mới thấy được phía trước. Thêm 620km nữa, ta sẽ chịu mức áp suất tăng lên tới 1.150 lần. Càng xuống sâu hơn, áp suất và nhiệt độ cực kỳ cao sẽ khiến các loại phi thuyền và tàu vũ trụ của Trái Đất nổ tung.
Ở độ sâu 4.023 km, nhiệt độ của sao Mộc là 3.371 độ, mức nhiệt độ có thể nung chảy cả vonfram là nguyên tố có nhiệt độ nóng chảy cao nhất vũ trụ tới nay con người từng phát hiện ra.
Tại vùng lõi của sao Mộc, áp suất gấp 2 triệu lần Trái Đất và hydrogen chuyển sang dạng thể lỏng như một đại dương làm giảm bớt tác động của lực hấp dẫn.
Giả sử phi thuyền của chúng ta đến được vùng này, ta sẽ bị trôi qua trôi lại không thể vào sâu hơn cũng không thể thoát ra do tác động qua lại của hai lực này.
Nghĩa là dù công nghệ của Trái Đất tiến bộ hơn để đi vào vùng lõi sao Mộc, thì chúng ta vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào cho tình trạng chỉ có thể đi vào mà không thể thoát ra này.
Theo NGỌC QUANG (Người Đưa Tin)