Tấm lòng ngoại Hai

09/01/2018 - 08:00

 - Tuy tuổi đã cao nhưng bà Nguyễn Thị Hai (93 tuổi, ngoại Hai) dành nhiều thời gian làm việc thiện. Những con đường, ngõ ngách trong ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn) nơi đâu cũng có bóng dáng ngoại. Ngoại đã dùng chính tiền của và công sức cả đời mình để chăm lo cho bà con nghèo trên quê hương Vĩnh Khánh.

Dành trọn cả đời chăm lo cho người đau ốm bệnh tật, học sinh nghèo hiếu học, xây dựng nhà ở cho người nghèo, cầu đường nông thôn chính là cách bà làm tròn lời hứa với bản thân. Bởi lời hứa ấy khơi nguồn từ những năm tháng gian khổ của tuổi thơ vẫn còn hằn sâu trong ngoại.

“Vừa lên 3 tuổi tôi đã mồ côi cha mẹ, sống nương nhờ tình thương của bà ngoại trong căn nhà mái lá cột xiêu. Cảnh cơ hàn thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, còn nhỏ nhưng tôi đã làm lụng sớm khuya với mọi công việc của người lớn. Thế rồi bà ngoại qua đời, 10 tuổi đầu, tôi sống cô độc và vất vả mưu sinh. Thấm thía với cảnh thiếu thốn, tôi chăm chỉ làm việc và mơ về ngày mai tươi sáng. Nếu làm ăn khấm khá, tôi nguyện cả cuộc đời san sẻ với người nghèo khó hơn”- Bà ngoại Hai nhớ lại.

Tuy không được ăn học đến nơi đến chốn nhưng tuổi nhỏ ngoại đã có cái tâm như vậy. 16 tuổi đã làm giao liên cách mạng, trước đồn bót quân thù ngoại không hề nao núng vì luôn canh cánh trong lòng tình yêu và quyết tâm bảo vệ quê hương xứ sở. Cách mạng thành công, ngoại tham gia vào vùng kinh tế mới. Nơi ruộng cạn đồng sâu xã Vĩnh Khánh, ngoại được bầu giữ chức vụ chủ tịch hội phụ nữ.

Rong ruổi qua từng con đường làng, ngoại càng thương hơn những mảnh đời nghèo khó. Sau các vụ mùa cứ xong việc cơ quan, ngoại thường đi mót lúa, góp nhặt vài ba giạ là giã lúa tặng cho người thiếu gạo ăn. Phụ nữ chuyển dạ, thiếu phương tiện đến trạm xá, ngoại đỡ đẻ luôn, biệt danh “mụ vườn mát tay” cũng chính là ngoại. Thấy người đau ốm, có tiền ngoại mua thuốc tặng, hết tiền ngoại sưu tầm thuốc nam chạy chữa. nhà nào nghèo khó, dột nát, xiêu vẹo ngoại bàn với chính quyền địa phương vận động tiền cất căn nhà mới cho họ.

Trải qua biết bao gian khổ, đến khi có gia đình ngoại lại phải tảo tần nuôi 6 đứa con nên người, đến tuổi về hưu, ngoại vẫn không có ý định nghỉ ngơi. thấm nhuần lời dạy của Bác, ngoại luôn canh cánh bên lòng: “Địa phương mình còn nhiều người nghèo, đường xá còn khó khăn lắm, tôi ngủ không yên”. Thế là, ngoại tích cực vận động người dân làm đường, xây dựng gần chục cây cầu bắc qua kênh, rạch, hiến đất xây dựng nghĩa trang Nhân dân.

Ở cái tuổi 88, ngoại còn nấu cơm phục vụ cho đội từ thiện xây cầu. nghe nói có người mất không tiền mua quan tài, ngoại đi vận động là có ngay. Giờ đã ở cái tuổi 93, không làm được nhiều như trước nhưng khi nghe ai đau bệnh là ngoại đến thăm hỏi và giúp đỡ, có khi đến tận bệnh viện tìm hiểu bệnh tình, rồi vận động giúp họ chữa trị đến nơi đến chốn. Chính uy tín và tâm huyết làm việc thiện của ngoại bao năm nay đã lan tỏa khắp vùng quê. Nhóm từ thiện cũng thầm lặng như cuộc đời ngoại, nhẹ nhàng, len lỏi qua từng kênh, rạch, mang suối nguồn yêu thương chở che cho biết bao mảnh đời bất hạnh.

Đồng hành cùng ngoại qua nhiều chương trình thiện nguyện, anh Đặng Văn Lợi, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh chia sẻ: “Điều tôi học được từ ngoại là tấm lòng thương yêu người dân không giới hạn và nhiều cách làm hay trong vận động, chăm lo cho cộng đồng. Từ việc nhỏ đến việc lớn, việc khó khăn nhất khi có tiếng nói của ngoại đều thuận lợi, trôi chảy”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Nguyễn Văn Lãm cảm kích tấm lòng của ngoại: “Dù trong giai đoạn chuyển mình thành xã nông thôn mới đầy khó khăn nhưng anh, em không bao giờ nản lòng mỗi khi nghĩ đến tấm gương cống hiến của ngoại. Việc khó trước đây ngoại đã lo toàn, giờ là lúc người trẻ học tập tấm lòng của ngoại, góp phần xây dựng làng quê ngày càng khởi sắc”.

Bài, ảnh: TRÚC PHA