Tâm sự của người lao động ngày cuối năm

24/01/2018 - 01:14

 - Thời điểm cuối năm, người lao động bận rộn nhưng dường như ai nấy xích lại gần nhau hơn, kể nhau nghe chuyện “chạy sô” tìm việc, thu nhập, dự định của gia đình và những ước mong trong năm mới.

Khóm Mỹ Thọ, phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) là một trong những nơi tập trung nhiều nhà trọ của công nhân (CN). Cũng như các khu trọ khác, không gian ban ngày lẫn đêm luôn yên ắng. Một chủ nhà trọ cho biết, không phải tất cả đều đi làm tăng ca, có người chỉ nằm nhà chờ việc. Nhà trọ của anh Nguyễn Văn Nhỏ có hơn chục phòng, mấy năm trước còn đông đúc, nay hơn một nửa bỏ đi làm việc ở tỉnh Tiền Giang vì nghe nói có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, công việc và thu nhập ổn định hơn. Số còn lại là CN thuộc công ty chế biến thủy sản, làm bảo vệ, tài xế…

Ở đây, chủ nhà trọ và người thuê trọ cũng như gia đình, tuy thời gian tiếp xúc hạn chế nhưng anh Nhỏ vẫn nắm rõ công việc, hoàn cảnh khó khăn cụ thể của từng người. Nhà trọ của anh cho thuê phòng với giá thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất 400.000 đồng/tháng - con số khá hữu nghị cho lao động làm thuê.

“Lương CN ở đây từ 4-5 triệu đồng, trừ chi phí và những lúc nằm không chờ việc chỉ vừa đủ sống” - anh Nhỏ cho biết. Cuối năm không phải DN nào cũng tăng ca do giá nguyên liệu cao, công việc của CN làm cầm chừng vừa đủ nên họ phải tự tìm việc, tự “tăng ca” theo cách riêng. Chỗ nào CN nghỉ thì lớp CN chỗ khác “chạy sô” qua làm công nhật. Ở các khu trọ thuộc phường Mỹ Thới, Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên), CN ngành may mặc có phần lạc quan hơn vì tăng ca liên tục, vui cũng có vui nhưng mỗi ngày làm xong sức khỏe gần như kiệt quệ.

Tâm sự của người lao động ngày cuối năm

Nhà tại TP. Long Xuyên nhưng vì quá chật hẹp, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyền phải ra ở trọ và làm cùng công ty. lương tháng trả chậm không kịp xoay sở nên chồng chị nghỉ để làm công nhật theo nhu cầu tuyển thất thường của các công ty khác. Một người lo tiền ăn từng bữa, một người có thu nhập ổn định nên hàng tháng anh, chị mới trang trải đủ và lo cho đứa con 8 tuổi. Dù DN khó khăn nhưng nhiều CN vẫn quyết tâm bám trụ với suy nghĩ cố gắng làm, DN khá hơn thì mình cũng được lợi hoặc “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Văn Bi, quê xã Kiến An (Chợ Mới) làm thành phẩm trong công ty thủy sản đã tròn 10 năm. Anh Bi cho biết, năm nay lương CN khả quan hơn, 2 vợ chồng tiết kiệm chi tiêu, lo được cho con trai vào đại học năm thứ nhất và con gái đang học tiểu học ở quê. Từng thay đổi công việc nên anh biết rõ nhiều thiệt thòi khi CN không làm cố định. Ra ngoài làm công nhật nhận lương chỉ là việc “ăn xổi ở thì”, còn tìm việc ngoài tỉnh thì may rủi. Cá nhân anh vẫn quyết tâm gắn bó với công ty, mong DN sản xuất nhiều thì đồng lương CN mới tăng theo.

Tại Nghiệp đoàn bốc xếp phường Mỹ Long có hơn 190 lao động, tình hình việc làm cũng tương tự. Chủ tịch Nghiệp đoàn Trương Thanh Tùng cho biết, hàng ngày nông sản và các mặt hàng khác về đến chục tấn nhưng thời điểm hiện tại số hàng đã giảm do tiểu thương trữ lại qua Tết. Ngoài công việc này, anh em còn nhận làm thêm ở các nơi di dời bàn ghế, nhà cửa. Mỗi ngày thu nhập hơn 200.000 đồng, đời sống ổn định. Để anh em đều có Tết, ngay từ đầu năm nghiệp đoàn đã kêu gọi thành viên đóng quỹ, sau ngày làm việc cuối năm, mỗi người được nhận phần quà Tết từ 500.000-600.000 đồng trích từ quỹ để tạo tinh thần phấn khởi.

Bằng cách giúp nhau, tương trợ nhau tìm việc, CN tích cực làm việc ngày đêm, tất cả hướng về một cái Tết tươm tất, đầm ấm. Người nhàn hạ bất đắc dĩ, kẻ làm quần quật từ sáng đến tối. Thế nhưng những ngày này, họ không nói nhiều về những thiệt thòi, nỗi lo toan, tùy điều kiện mà vui Tết phù hợp. Với họ, Tết là những ngày nghỉ để hồi phục sức lực, Tết là khoảnh khắc rất đặc biệt để chờ đợi, cố gắng và xem như cột mốc mới, với nhiều hy vọng mới.

Tâm sự của người lao động ngày cuối năm

Những ngày làm việc cuối năm ở Nghiệp đoàn bốc xếp Mỹ Long.

Mỹ Hạnh

 

Liên kết hữu ích