Tân Châu tập trung phục hồi và phát triển kinh tế

26/04/2023 - 07:29

 - Trong thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) một trong những việc cần làm là các cấp, ngành phải nhận diện được những khó khăn, thách thức đang diễn ra tại địa phương để từ đó có giải pháp phù hợp, sát sườn nhằm vực dậy nền kinh tế địa phương.

Khởi công xây dựng cầu Phú Vĩnh

Nhận diện khó khăn

Ghi nhận hiện nay, đa phần tiểu thương tại các chợ trung tâm, chợ xã mua bán ế ẩm. Trái cây của nhà vườn trúng mùa nhưng rớt giá. Nhiều lao động tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã trở về địa phương, do các công ty không nhận được đơn đặt hàng, nhất là ngành may mặc, da giày và chế biến gỗ.

Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp vẫn đang ở mức cao. Nếu năm 2019, giá phân DAP Philippines chỉ 620.000 đồng/bao (50kg) thì nay tăng lên 950.000 đồng/bao, cá biệt có thời điểm vượt mốc 1 triệu đồng/bao. “Giá phân bón tăng cao, nếu giá lúa bán dưới 6.500 đồng/kg, bà con chỉ lấy công làm lời. Sản xuất không lợi nhuận, nông dân không có tiền tiêu xài, hàng hóa tại các chợ ế ẩm, dễ dẫn đến suy thoái kinh tế” - ông Khưu Bá Phúc (nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) phân tích.

Cũng theo ông Phúc, không chỉ có giá vật tư nông nghiệp tăng cao, các mặt hàng khác trên thị trường cũng tăng mạnh, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng. Đối với thực phẩm, toàn bộ các mặt hàng cá chợ, như: điêu hồng, mè vinh, cá hú... năm nay giá tăng mạnh, từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg. “Hiện nay, cầm 100.000 đồng đi chợ mua thức ăn được rất ít. Cá điêu hồng 60.000 đồng/kg, 1kg gạo lài sữa có giá 22.000 đồng/kg, những người nội trợ như tôi buộc phải thắt lưng, buộc bụng” - bà Trần Thị Mỹ Chi (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) phân tích.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I , đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023, Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế thị xã đang phải đối mặt cũng như những hạn chế cần khắc phục trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn hơn 144,3 tỷ đồng. Đến ngày 29/3/2023, thị xã giải ngân được gần 21,92 tỷ đồng, chỉ đạt 15,19% kế hoạch vốn. Theo ông Vệ, các cấp, ngành cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các quý còn lại của năm 2023 để thông qua đầu tư công, thực hiện chủ trương kích cầu nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương...

Đề ra giải pháp

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức, UBND TX. Tân Châu đã đề ra nhiều giải pháp ứng phó, trong đó tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tiểu thương, doanh nghiệp (DN) phát triển mua bán, mở mới cơ sở, nhà máy, xí nghiệp nhằm thu hút lao động tại địa phương. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, giải quyết các thủ tục cần thiết cho người dân. Kết hợp với các sở, ban, ngành đề xuất nhiều dự án mang tính đột phá để thu hút các DN lớn về đầu tư tại địa bàn...

Ông Nguyễn Ngọc Vệ cho biết, trong các giải pháp đề ra để phục hồi và phát triển kinh tế, thị xã luôn chú trọng, ưu tiên các công việc mang tính cấp bách, thường xuyên, như: Tập trung triển khai các giải pháp chống hạn, nạo vét các kênh, mương phục vụ tưới, tiêu cho vụ hè thu và thu đông 2023; triển khai thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, nhất là công trình thi công đang chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023. Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các công trình, dự án trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch đề ra. Hỗ trợ xã Phú Lộc đạt chuẩn nông thôn mới và xã Phú Vĩnh đạt nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, TX. Tân Châu tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân đối với phong trào kinh tế tập thể, vận động bà con nhanh chóng liên kết với các DN mở rộng mô hình liên kết, làm tiền đề để cùng các địa phương khác tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai...

“Tập đoàn NovaGroup cùng các đối tác đã giúp An Giang hoàn thành và chuyển giao Đề án quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương. Đây là đề án quy hoạch liên vùng với kỳ vọng biến nơi đây trở thành một đô thị biên mậu thông minh có trung tâm du lịch của khu vực, trung tâm logistic và trung tâm chế biến nông, thủy sản của quốc gia… Chúng tôi rất mong đề án này được triển khai để thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển” – ông Trần Văn Cảnh (cán bộ hưu trí xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) kỳ vọng.

 

MINH HIỂN