Tận dụng mật ong từ vườn nhãn

06/11/2020 - 05:20

 - Khi nguồn cung mật ong tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc nuôi ong lấy mật đang ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường. Mật ong nuôi vừa giữ được những thành phần quý của mật ong, vừa có giá rẻ hơn nhiều so mật ong tự nhiên, người tiêu dùng dễ tiếp cận. Hộ kinh doanh mật ong, sữa ong chúa, dược liệu Cẩm Tú (ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) đang đi theo hướng kinh doanh này.

Xây “nhà” cho ong

Những năm gần đây, xã Khánh Hòa (Châu Phú) nổi tiếng với đặc sản nhãn xuồng, được đánh giá là cho trái to, vỏ dày, cơm khô, thơm ngon hơn hẳn so với nơi xuất phát nguồn gốc của giống nhãn này. Nhờ giá bán ổn định ở mức cao, lợi nhuận khá nên nông dân Khánh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi từ vùng đất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh nhãn.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh nhãn xuồng Khánh Hòa với diện tích 200ha. Sau khi được UBND tỉnh ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang) với phân hạng 3 sao, huyện đang triển khai các chính sách hỗ trợ để xây dựng vùng chuyên canh nhãn, xúc tiến mở rộng thị trường...

Anh Hà Phước Sơn giới thiệu sản phẩm mật ong nuôi giá bình dân

Là người con của quê hương Châu Phú, anh Hà Phước Sơn (ngụ tổ 11, ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ) không chọn nghề trồng nhãn nhưng tập trung khai thác lợi thế từ cây nhãn. Hộ kinh doanh mật ong, sữa ong chúa, dược liệu Cẩm Tú do anh Sơn thành lập chuyên nghề nuôi ong lấy mật. Đây là cơ sở đầu tiên nuôi ong Ý (Italia) lấy mật ở huyện Châu Phú.

“Loài ong Ý chuyên lấy mật hoa nhãn và tràm, tạo ra loại mật ong thơm ngon, ngọt lành, bổ dưỡng. Tận dụng vùng nhãn xuồng Khánh Hòa, chúng tôi phát triển đàn ong tại đây để hút mật từ hoa nhãn. Loại mật ong hoa nhãn có màu vàng xanh quyến rũ, mùi thơm nhẹ, sâu lắng, vị ngọt dịu, quý phái...

Do nhãn mỗi năm chỉ có 1 vụ thu hoạch nên khi bầy ong lấy mật xong, chúng tôi di chuyển chúng về rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), vùng U Minh (Kiên Giang) để lấy mật hoa tràm trọn năm. Mật ong từ hoa tràm có màu đỏ đậm nồng nàn, mùi thơm gắt, chân chất, vị ngọt gắt có hậu chua thanh, hào sảng. Ngoài vùng nguyên liệu nhãn ở Châu Phú, chúng tôi còn nuôi ong ở vùng trồng nhãn tại cù lao Cái Tàu Hạ (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp)” - anh Sơn chia sẻ.

Chú trọng an toàn thực phẩm

 Để bảo quản mật ong được tốt, hộ kinh doanh mật ong, sữa ong chúa, dược liệu Cẩm Tú chọn chai thủy tinh để đựng. Mỗi lần, cơ sở đặt mua khoảng 2.000 vỏ chai thủy tinh để vô mật ong. Quy trình sản xuất mật ong khép kín từ vùng nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ.

“Chúng tôi chắt chiu, chăm sóc từng con ong Ý tại vùng nuôi. Sau đó, thực hiện khai thác xoay vòng, sơ chế, lắng lọc, vô chai, đóng gói bao bì, hoàn chỉnh sản phẩm và phân phối tận tay người tiêu dùng toàn quốc (bao phí vận chuyển và thu hộ). Suốt 3 năm qua, mật ong Cẩm Tú vẫn giữ mức giá bán lẻ bình dân 200.000 đồng/lít để nhiều người tiêu dùng dễ tiếp cận, trong khi giá thị trường mật ong nuôi phổ biến không dưới 300.000 đồng/lít” - anh Sơn thông tin.

Sản phẩm mật ong Cẩm Tú hướng đến thị trường bình dân

Hiện nay, sản phẩm mật ong Cẩm Tú phân phối thông qua 15 đại lý trong và ngoài tỉnh như: Phú Tân, TP. Long Xuyên, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận… Cơ sở còn kết hợp bán hàng online (thông qua website matongcamtuangiang.com.vn), qua Facebook Ha Phuoc Son, qua các trang thương mại điện tử như: Sendo, Tiki, VOSO...

Sản phẩm còn được bán trong các nhà thuốc. Từ đó, dần khẳng định vị trí mật ong Cẩm Tú trong lòng người tiêu dùng. “Chúng tôi còn giới thiệu đến khách hàng 2 sản phẩm giá trị gia tăng là mật ong hoa tràm rừng Trà Sư + nghệ xà cừ Tịnh Biên và mật ong hoa tràm rừng Trà Sư + chanh đào, được thị trường bước đầu chấp nhận” - anh Sơn bộc bạch.

Tự hào là cơ sở đầu tiên của huyện Châu Phú có thể “dắt ong lấy mật” theo kiểu “nuôi ong chạy vườn”, nhằm tạo ra loại mật ong “thơm ngon, bổ dưỡng, giá cả bình dân”, anh Sơn cho biết sẽ tiếp tục phát triển đàn ong với số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Ngoài chứa những thành phần dinh dưỡng quý, mật ong còn có nhiều tác dụng chữa bệnh đau cổ họng, điều trị những bệnh cảm lạnh như: ho, chảy nước mũi, giúp sáng mắt, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm béo, trị hen… Khi mình cam kết, đảm bảo chất lượng 100% mật ong nguyên chất, nhu cầu thị trường rất rộng mở” - anh Sơn nhấn mạnh.

Năm 2019, hộ kinh doanh mật ong, sữa ong chúa, dược liệu Cẩm Tú tiêu thụ đạt 1.200 lít mật ong, cho thu nhập 180 triệu đồng. Trong đợt xét công nhận sản phẩm OCOP (đợt III - 2020), sản phẩm mật ong Cẩm Tú được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao (đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận). Cơ sở sẽ tận dụng lợi thế này để tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN