Tận dụng tốt thời cơ từ Cách mạng công nghiệp thứ tư

08/09/2020 - 07:54

Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" (ngày 31-8-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”.

Các nhà khoa học Việt Nam - những người tiên phong trong việc đưa nền khoa học và công nghệ nước nhà tiến kịp với thế giới đã, đang và sẽ góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu cụ thể của nước ta trong giai đoạn tới. Theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các mục tiêu đó là: "Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Chú thích ảnh

Ngày 27-12-2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (Vngeonet). Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Sử dụng khoa học - công nghệ để phát triển đất nước

Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, nguyên Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận định: Để hướng đến mục tiêu này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên phương hướng, giải pháp mà trong đó cần có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, cụ thể là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nhận thức đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước”. 

Nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ và khả năng tự động hóa cao, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã và đang xây dựng, phát triển các nền tảng hạ tầng kỹ thuật đo đạc bản đồ và thông tin địa lý thế hệ mới như: Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET); Hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI); Hệ quy chiếu động 3D… Đây là các công nghệ đảm bảo cho nước ta đủ điều kiện để kết nối vạn vật bất kể với khoảng cách nào; đồng thời giúp trí tuệ nhân tạo biết tư duy về không gian mình đang tồn tại và vận động; sẵn sàng hỗ trợ các giao thức kết nối mở cho các công nghệ tự động hóa độ chính xác cao trong thời gian thực như: Giám sát chuyển dịch, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, cảng biển logistics, thành phố thông minh, hàng không…

Có thể nói, hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh là cơ sở làm nền tảng để hoàn chỉnh hệ qui chiếu và hệ tọa độ quốc gia 3D theo quan điểm động; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái Đất. Đây là một trong những công trình khoa học - công nghệ tiêu biểu của ngành tài nguyên và môi trường trong năm qua, góp phần vào việc phát triển ngành bền vững, hiện đại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Phát triển xanh là xu hướng chủ đạo

Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ: “Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”.

Có thể khẳng định, biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất đang khiến cho Việt Nam khó khăn hơn khi tiếp cận mục tiêu thiên niên kỷ là đảm bảo phát triển kinh tế trong môi trường mang tính bền vững. Tiến sĩ Dư Văn Toán cho rằng xu hướng phát triển năng lượng xanh trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá cho các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong phát triển môi trường bền vững. Do đó, nước ta cần sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển… để có được những định hướng chiến lược đúng đắn nhất cho việc phát triển, tận dụng nguồn năng lượng từ biển.

Chú thích ảnh

Các dự án năng lượng tái tạo đưa vào vận hành thương mại đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành công nghiệp của Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử-TTXVN

Tiến sĩ Dư Văn Toán cho biết, năng lượng sạch, trong đó có năng lượng gió biển và điện mặt trời đã được nước ta quan tâm phát triển trong những năm gần đây; đặc biệt vào ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nội dung: “Đối với điện gió và điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 22-10-2018). Nghị quyết đã đưa ra các đột phá về các ngành kinh tế biển của cả nước đến năm 2030 theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đồng thời, Quyết định 2068-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 25-11-2015 đặt ra mục tiêu: Từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý. Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050.

Theo HOÀNG NAM (Báo Tin Tức)