Tản mạn phố núi

09/06/2023 - 06:44

 - Giữa tháng 4 (âm lịch), khi Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chưa bắt đầu, thì những giọt mưa đã rớt, nhè nhẹ đẩy đuổi cái nóng mùa hè. Càng gần cao điểm lễ hội, mưa càng nặng hạt, càng day dứt hơn. Nhưng lạ kỳ, người dân tứ xứ vẫn đổ về đây, bỏ mặc cơn mưa trên đầu.

Năm nào mùa Vía Bà cũng diễn ra trong “các loại mưa”. Không phải mưa tầm tã, cũng lâm râm, đủ ướt đường, ướt tóc. Mưa đôi lúc làm gián đoạn nhịp sinh hoạt, mua bán thường ngày của người dân địa phương. Họ dọn dẹp hàng hóa gọn lại một góc, phủ ny-lon thật kín, còn mình ngồi co ro trong góc nhà, góc quán. Chỉ có nhóm xe lôi, "xe ôm" xăng xái chạy hết đường này góc nọ, rảo qua rảo lại dưới mưa tìm khách.

Khách du lịch vẫn đội mưa, líu ríu dắt tay nhau đi một vòng thành phố lễ hội. Đến đây rồi, không lẽ nằm trong phòng trọ chờ hết mưa? Cũng vì mưa, khách tranh thủ bắt xe đi cho nhanh, lười đứng ướt mình kỳ kèo trả giá. Tôi ngỏ ý muốn trải nghiệm cảm giác ngồi xe lôi dạo 1 vòng thành phố để tận hưởng buổi tối mát trời, anh Út (mọi người thường gọi là Út xe lôi) buột miệng: “Nếu có một mình thì chị nên đi xe honđa “ôm”, giá rẻ hơn”. Cuốc “xe ôm” chỉ vài chục ngàn, còn cuốc xe lôi anh chở, đông hay ít khách đều cả trăm ngàn trở lên, cho mấy cây số lượt đi và về. Chạy nhanh, khoảng nửa giờ. Chạy chậm, chờ khách chụp hình, dạo chơi… mất cả giờ.

Thấy tôi trèo lên xe, anh Út không “can ngăn” nữa, vội nhảy lên yên xe. Gió đẩy tóc tôi sang một bên, nhân tiện đẩy chiếc lưng của anh Út cong theo từng vòng pê-đan. Gió cũng làm lời kể của anh lúc đầy lúc vơi, rằng anh ngoài 40 tuổi, không biết chữ.

Nhà nghèo, anh có thể bung sức lao động nặng nhọc kiếm tiền, nhưng không biết chữ thiệt thòi lắm. Ví dụ như, anh mong muốn mua xe gắn máy, chở khách cho nhẹ công hơn xe lôi. Ngặt nỗi, anh không biết làm cách nào để mua trả góp, không đọc được hợp đồng vay tiền… Hồi trước, không có xe, anh thuê xe lôi chạy, mỗi ngày trả 20.000 đồng cho chủ xe. Gom góp mãi, anh mua chiếc xe lôi cũ của người khác, làm kế sinh nhai 5 năm nay.

Chưa đến 6 giờ chiều, bầu trời đen kịt. Vừa dứt mưa chưa được 30 phút, cơn mưa khác sầm sập kéo đến. Anh Út quay lại hỏi: “Dưới xe có bạt ny-lon, tôi lấy cho chị khoác lên nghe, mưa không lớn nhưng ướt mình lúc nào không hay. Tôi dầm mưa quen rồi, không sao đâu”. Tôi dặn anh chạy nhanh lên, gần tới rồi, không cần che. Trong chiếc áo đơn bạc đẫm mồ hôi (hay nước mưa, chẳng rõ nữa), anh Út lại rướn người, muốn chạy khỏi cơn mưa…

Đến với phố núi Châu Đốc mùa này, phải chuẩn bị tinh thần với những cơn mưa không hề biết trước. Mưa nghịch ngợm trêu người. Mới trời quang mây tạnh đó, mà ít phút sau mưa như trút nước. Thấy chuyển mưa ào ạt, sấm chớp dữ dội, cuối cùng rớt hạt rất khẽ, hụt hẫng cho người mặc áo mưa, lẫn người dọn hàng quán.

Bà Hạnh (62 tuổi) xòe bàn tay kiểm tra lại một lần nữa xem mưa tạnh hẳn chưa, trước khi bưng bàn ghế bán nước giải khát lần thứ 3 trong buổi tối hôm ấy. Bà chép miệng: “Nhiều lúc, không cần coi lịch, cứ thấy trời đang nóng bức mà có mưa, là chúng tôi biết gần tới Vía Bà. Mùa mưa, bán buôn bất tiện, phải chịu khó dọn bàn ra vô liên tục. Nhưng bù lại, khách đông. Trời dứt mưa, khách ghé lại bán không xuể”. Bởi vậy, những người kinh doanh dịch vụ dựa vào xứ du lịch như bà Hạnh đâu có “ngán” mưa. Điệp khúc mưa lặp đi lặp lại, cả một đời họ gắn bó, nuôi con cái trưởng thành, cũng nhờ những mùa mưa như thế…

TP. Châu Đốc rộn ràng bước vào mùa lễ hội, hầu như ngày nào cũng có sự kiện diễn ra, kéo dài đến hết tháng cao điểm. Chỉ có điều, ban tổ chức phải dự kiến nhiều phương án “né mưa”, như: Hạn chế tổ chức sự kiện ngoài trời, nếu tổ chức thì phải dựng rạp che chắn.

Có né cách mấy vẫn phải chịu cảnh ướt, đội mưa, bởi mưa đã trở thành “đặc sản” quen thuộc mùa này. Trần Minh Đăng (sinh năm 2000, ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) thường nhận biểu diễn phục vụ văn nghệ dịp Vía Bà. Việc hát trong đêm đầy mưa diễn ra thường xuyên đến mức, anh không đếm xuể bao nhiêu lần giọng hát của mình hòa nhịp với tiếng mưa.

“Chúng tôi là ca sĩ trẻ, nghiệp dư có, bán chuyên nghiệp có, thường nhiệt tình tham gia chương trình văn hóa - văn nghệ dịp cao điểm lễ hội. Ngoài chuyện kiếm thêm thu nhập, hát để thỏa đam mê, chúng tôi còn đặt niềm tin tâm linh vào lễ hội truyền thống này. Đồng thời, phục vụ du khách gần xa, chuyển tải thông điệp thân thiện, mến khách của vùng đất, con người Châu Đốc nói riêng, An Giang nói chung. Nhiều đêm hát trong khuôn viên miếu Bà, bên ngoài mưa trắng trời, bên trong bà con ngồi xem rất say sưa. Với chúng tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn lao” - Đăng bày tỏ.

Hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp, nhìn màn mưa lất phất, Phó Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Không biết giải thích thế nào, nhưng tôi rất nhiều lần chứng kiến, trước đó, trời vẫn còn nắng nóng. Bước qua 20/4 (âm lịch), mưa lai rai. Ngày 22 - 23/4 (âm lịch), khi làm lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ núi Sam xuống, mưa lâm râm, mọi hoạt động diễn ra vẫn suôn sẻ, chỉ ướt mình chút đỉnh. Nhưng đến 27/4 (âm lịch), khi làm lễ hồi sắc (đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ), mưa không thể tả. Sau hôm ấy, mưa liên tục không ngớt”.

Đêm dần khuya. Mưa vẫn khi lớn khi nhỏ, tiễn tôi rời khỏi phố núi. Rồi cả thành phố chìm trong tĩnh lặng, không ồn ào, náo nhiệt như những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Vậy mà, không gian đầy mưa ấy vẫn đủ sức níu chân du khách trở lại cùng lời hẹn sắt son: Nhất định sẽ về Châu Đốc để dự lễ hội Vía Bà!

GIA KHÁNH