Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

28/03/2024 - 05:04

 - Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể, Nhân dân quan tâm và đạt nhiều kết quả khích lệ. Qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, hợp pháp. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế nhất định.

“Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” là chủ đề cho các hoạt động Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. Các hoạt động xoay quanh chủ đề này là hướng đến việc góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân; khắc phục những bất cập do vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi tiến hành giao dịch; từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng.

Thực tế, trong các giao dịch mua bán, nhất là các giao dịch nhỏ lẻ, khi đặt mua trên mạng, nhận được món hàng không đúng chất lượng như quảng cáo, hàng lỗi... nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại, sợ phiền hà, rắc rối, mất thời gian, chưa dám khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng thường bỏ qua khi bị xâm hại. Chính vì thế, để tự bảo vệ mình, nhiều người đã có ý thức lựa chọn những thương hiệu uy tín.

Phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 và Giải việt dã “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”

Chị Nguyễn Thị Tâm (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Nếu như trước đây, đi làm về tôi hay rẽ vào chợ mua thực phẩm. Từ khi gần nhà có các cửa hàng tiện ích, tôi thường ghé vào mua”. Chị Tâm cho rằng vào các cửa hàng tiện ích vừa mát, giá cả niêm yết rõ ràng, thực phẩm tươi ngon, yên tâm về chất lượng, hàng hóa cũng phong phú để chế biến những món ăn cho gia đình.

Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả hơn thì bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm của DN và người tiêu dùng. DN phải nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch, mua bán để trở thành những người tiêu dùng thông minh. “Hiện nay, khi nền kinh tế trong xu thế hội nhập. Gian lận thương mại, buôn bán hàng giả có chiều hướng gia tăng. Hàng giả lưu thông trên thị trường nội địa có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng giả được sản xuất trong nước. Vì vậy, khi mua hàng tôi thường mua ở những địa chỉ thân quen, tin cậy, có đăng ký kinh doanh hợp pháp và nhận đầy đủ các chứng từ liên quan đến việc mua sản phẩm (hóa đơn, phiếu bảo hành...). Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - bà Nguyễn Thị Nghiêm (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) đề nghị.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024, đơn vị phối hợp kiểm tra thị trường 199 vụ, phát hiện 143 vụ vi phạm (chiếm 71,9%), trị giá hàng hóa vi phạm gần 2,8 tỷ đồng; xử lý 134 vụ, thu phạt vi phạm hành chính gần 882 triệu đồng. Quản lý thị trường độc lập kiểm tra phát hiện, xử lý gần 130 vụ vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về nhãn, giá...

Hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, Sở Công Thương phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Long Xuyên, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và VNPT An Giang vừa tổ chức lễ phát động hưởng ứng và Giải việt dã “DN vì người tiêu dùng”, thu hút hơn 300 công đoàn viên, đoàn viên, thanh niên và sinh viên tham dự. Qua đây, tỉnh mong muốn các vận động viên không chỉ là người tham gia hưởng ứng sự kiện mà trở thành những đại sứ lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Vì quyền lợi người tiêu dùng”.

Nhiều DN cùng tham gia, thể hiện tinh thần hưởng ứng kinh doanh có trách nhiệm vì quyền lợi của người tiêu dùng. Đại diện Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang chia sẻ: “Thời gian qua, công ty và từng thành viên tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cung ứng xăng dầu, gas đúng, đủ, đảm bảo chất lượng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp các đơn vị và địa phương tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực về quyền lợi người tiêu dùng, kêu gọi sự tham gia trực tiếp của các chủ thể, đặc biệt là người tiêu dùng và cộng đồng DN. Phối hợp các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhằm phòng chống và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng An Giang Võ Thị Liên cho biết: “Qua hơn 12 năm triển khai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh hơn cho người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Năm 2024, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp tục phối hợp Sở Công thương và các đơn vị tổ chức thêm nhiều hoạt động, để người tiêu dùng, DN, cơ quan, tổ chức chung tay hưởng ứng và thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

HẠNH CHÂU