Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và hòa bình

11/06/2022 - 19:40

Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 11/6 với chủ đề "Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc." (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Ngày 11/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 bắt đầu ngày họp chính thức đầu tiên tại Singapore, với các nội dung tập trung vào chủ đề an ninh, ổn định ở khu vực. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự các phiên thảo luận.

Tại phiên toàn thể thứ tư về hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc,” trong đó nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Theo quan điểm của Việt Nam, tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ; chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.

Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang.

Cũng theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, việc tăng cường năng lực quốc phòng cần phải minh bạch, bởi nếu không sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang.

Hệ lụy là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường.

Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia, mà lẽ ra, có thể sẽ tốt hơn nếu những nguồn lực quốc gia ấy được dành cho phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã thu hút sự theo dõi đặc biệt của các đại biểu, diễn giả và các nhà quan sát quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, diễn ra từ 10-12/6 sau hai năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19.

Sau bài phát biểu, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu tại Đối thoại./.

The LÊ DƯƠNG - THỂ VŨ (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích