Tăng cường kiểm soát, không để “dịch chồng dịch”

02/10/2020 - 06:51

 - Theo dự báo của Bộ Y tế, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh gia tăng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tích cực phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra “dịch chồng dịch”.

Thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, nhất là gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số cas mắc tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ba tuần gần đây, số cas mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung ở một số tỉnh: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội…

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ nhóm tuổi mắc sốt xuất huyết năm nay không khác biệt so các năm trước, chỉ số giám sát véc-tơ ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam và miền Trung. Khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên chủ yếu mắc ở người trên 15 tuổi; khu vực miền Nam tỷ lệ mắc có xu hướng tăng dần ở nhóm trên 15 tuổi… và chủ yếu ở tuýp Dengua 1, Dengua 2 (chiếm 90%).

Hội nghị trực tuyến “Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng năm 2020” tại điểm cầu tỉnh An Giang

Theo Cục Y tế dự phòng, nước ta nằm trong khu vực lưu hành sốt xuất huyết quanh năm với số cas mắc và tử vong cao. Diễn biến dịch tễ số mắc tăng từ tháng 9 đến tháng 11 (mùa mưa, thời tiết thuận lợi). Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại... là nơi thuận lợi cho muỗi và lăng quăng sinh sản, khó kiểm soát triệt để.

Đối với bệnh bạch hầu, số cas mắc giảm nhiều lần so với trước thời điểm triển khai tiêm chủng mở rộng (từ 3.487 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 6-53 cas mắc/năm của giai đoạn 2004-2019). Gần đây, bệnh bạch hầu xảy ra rải rác ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung và miền Nam, riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có cas mắc; tính từ đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên có 172 cas, miền Trung (22 cas), miền Nam (4 cas)…

Dự báo những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là thời tiết mùa đông - xuân thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh. Nhất là số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do thời tiết thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển. Đây cũng là lúc cả nước nới lỏng giãn cách xã hội (do kiểm soát được dịch bệnh COVID-19) và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số cas mắc có nguy cơ gia tăng, lan rộng.

Phun xịt hóa chất phòng, chống dịch bệnh

An Giang đã và đang triển khai mạnh mẽ việc phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đối với bệnh sốt xuất huyết, tỉnh triển khai nhiều đợt ra quân diệt lăng quăng diện rộng, phun hóa chất dập dịch (nhất là nơi xuất hiện cas bệnh) và tổ chức chiến dịch tập trung nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia; nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh Chikungunya đang lây lan nhanh tại Campuchia và có khả năng tiếp tục lan rộng sang các địa phương khác, Sở Y tế chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương (nhất là vùng biên giới) tăng cường tuyên truyền về cơ chế lây lan và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Chikungunya. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp phối hợp và kiểm soát chặt chẽ xuất, nhập cảnh, nắm diễn biến dịch bệnh tại Campuchia.

Tăng cường giám sát các địa phương triển khai diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch. Hướng dẫn các tuyến chủ động chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn. Thường xuyên đánh giá nguy cơ, xác định địa bàn trọng điểm để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động. Yêu cầu các bệnh viện thực hiện khám sàng lọc, thu dung bệnh nghi nhiễm Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika; cập nhật thông tin, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định.

Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả hoạt động diệt lăng quăng tại điểm nguy cơ, điểm dịch cũ, đặc biệt là tại các bệnh viện/cơ sở khám, chữa bệnh. Khi phát hiện có trường hợp bệnh xác định nhiễm Chikungunya, thực hiện xử lý véc-tơ như trường hợp xử lý véc-tơ của ổ dịch sốt xuất huyết…

Tại hội nghị trực tuyến với hơn 700 điểm cầu toàn quốc về tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng năm 2020, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, chúng ta đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng đồng thời cũng phải làm tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh khác, không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Do đó, các cấp, ngành và toàn thể nhân dân không lơ là, chủ quan với dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn nguồn lây, khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Nhận định nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp và xảy ra ở mỗi vùng rất khác nhau, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu toàn ngành y tế phân tích kỹ lưỡng nguy cơ tình hình dịch từng địa phương để đề xuất các hoạt động trọng tâm, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm giám sát, xử lý, phòng, chống dịch bệnh; cập nhật phác đồ điều trị bạch hầu, sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em; quy trình tiêm chủng an toàn và giám sát sau tiêm chủng…

Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh (nhất là COVID-19) hiệu quả. Tập trung công tác tiêm chủng mở rộng, lưu ý các địa bàn khó khăn, xóa vùng lõm trong tiêm chủng. Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để “dịch chồng dịch”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH