Tăng cường phòng, chống bệnh dại

14/03/2024 - 06:14

 - Bệnh dại trên người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo Bộ Y tế, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố. Hai tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 20 ca tử vong do bệnh dại và nghi dại ở 14 tỉnh, thành phố. Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại gần 70.000 người (tăng 11% so cùng kỳ năm 2023)...

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 26 ổ bệnh dại trên động vật tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, ở ĐBSCL, bệnh dại trên động vật xảy ra 5 ổ dịch ở 4 tỉnh (Long An, Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau).

Tại An Giang, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023, có gần 35.200 người tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn; trong đó nhiều nhất là TP. Long Xuyên 11.338 trường hợp, huyện Chợ Mới 3.333 trường hợp, huyện Châu Thành 2.870 trường hợp, huyện Phú Tân 2.664 trường hợp. Riêng tháng 1/2024, có 3.754 người tiêm vaccine phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại do chó, mèo cắn.

Mới đây, tỉnh phát hiện 1 con chó thả rông cắn người dương tính với virus dại. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Tiến Hiệp thông tin: “Ngày 8/3, tại ấp Long Thịnh (xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) có 1 trường hợp chó cắn người và con chó đã chết vào chiều cùng ngày. Mẫu xét nghiệm của con chó dương tính với virus dại.

Trước đó, con chó này đã cắn 3 người;  cả 3 người đã đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Tiếp đó, ngày 10/3, tại ấp Bình Đức (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) cũng có 1 trường hợp chó thả rông (không có chủ) cắn 3 người, đến tối cùng ngày con chó đã chết. Hiện, đang chờ kết quả xét nghiệm virus dại ở động vật”.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - nơi người dân đến tiêm ngừa phòng bệnh

 Một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng, là do địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo (chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn). Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó chưa đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định. Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; công tác phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế và chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế…

Trước tình hình bệnh dại trên người thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, UBND tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan y tế và thú y thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch.

Đồng thời, tăng cường quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng những người xung quanh. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại, các quy định pháp luật liên quan. Đặc biệt, thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại kịp thời, hiệu quả. Phối hợp cơ quan y tế thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu, gửi xét nghiệm. Tiêm phòng vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ trên 70% tổng đàn; chú ý các đàn vật nuôi tại các vùng, các khu vực có nguy cơ cao.

BS Lê Thị Thanh Phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật bị dại sang người qua vết cắn, vết liếm hoặc vết trầy xước. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm vô cùng đáng sợ, vì khi đã lên cơn dại, dù là động vật hay con người, đều sẽ tử vong. Hiện, chưa có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại, sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại”.       

Để phòng bệnh, người nuôi cần tiêm vaccine phòng dại bắt buộc cho chó, mèo. Sau khi bị súc vật cắn, cần rửa ngay với xà bông và dưới vòi nước chảy liên tục 10 - 15 phút. Nếu không có xà bông, rửa ngay vết thương bằng nước sạch, dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Sau đó, sát trùng bằng cồn, cồn iod... Không nên khâu kín vết thương. Có thể dùng thêm kháng sinh để chống nhiễm trùng và tiêm phòng uốn ván. Khi bị chó, mèo cắn, tuyệt đối không tự lấy nọc tại nhà theo các phương pháp dân gian, hay mời những thầy lang về nhà chữa trị, mà phải đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

Tiêm vaccine phòng dại là cách bảo vệ hiệu quả nhất trước nguy cơ bệnh dại. Tiêm huyết thanh kháng dại: Khi vết cắn rộng, sâu; nhiều vết cắn; vết cắn gần thần kinh trung ương hoặc vùng giàu mạng lưới thần kinh; vết liếm ở vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc; tình trạng con vật lúc cắn có biểu hiện nghi dại, hoặc mất tích, hoặc bị giết chết sau khi cắn thì tiêm càng sớm càng tốt, tốt nhất là vào ngày đầu tiên khi bị chó, mèo cắn, cùng với tiêm vaccine phòng dại. Nếu không tiêm được trong ngày đầu, có thể tiêm trong những ngày sau đó, nhưng không muộn quá ngày thứ 7 sau khi tiêm liều vaccine dại đầu tiên..

HẠNH CHÂU