Tăng cường phòng, chống mua bán người

21/02/2024 - 06:25

 - Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tỉnh An Giang, năm 2024, các cấp, ngành tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa ngay từ địa bàn cơ sở.

Quyết liệt đấu tranh

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài 98,2km, tiếp giáp với 6 huyện thuộc tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia), nên tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, An Giang có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, bến đò qua lại thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép hoặc mua bán người qua biên giới.

Xác định tính chất phức tạp của loại tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra trên địa bàn tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp các địa phương có liên quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm này. Đặc biệt, chỉ đạo phối hợp tốt với lực lượng cảnh sát Campuchia trong điều tra, xử lý tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhất là việc giải cứu, tiếp nhận các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Campuchia trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2005 đến 2023, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tiếp nhận 45 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người, đã giải quyết 45 tin, khởi tố 12 vụ, 23 bị can về tội “Mua bán người”…

Tăng cường tuyên truyền, giải đáp thắc mắc cho người dân khu vực biên giới về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người

Chính quyền địa phương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các buổi họp dân. Từ năm 2005 đến 2023, đã tổ chức 2.989 cuộc tuyên truyền, với trên 163.000 lượt người tham dự, phát hơn 119.000 phiếu tố giác tội phạm, 9.126 tờ rơi... Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về tội phạm mua bán người, đề cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống tội phạm.

Chủ động phòng ngừa

Phát huy hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua, năm 2024, các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác này. Theo đó, phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về mua bán người; 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ mua bán người được giải quyết, xét xử. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người bị nghi là nạn nhân; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về mua bán người. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng; xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp từng cơ quan, địa phương; tập trung triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7).

Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người; nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tạo việc làm cho người dân trên địa bàn nhằm ổn định cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Các lực lượng chức năng chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa bàn và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống. Huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công an tỉnh cho biết, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phòng ngừa tội phạm mua bán người. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; xác lập, điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh…

MINH THƯ