Lãnh đạo tỉnh An Giang khảo sát tình hình sạt lở ở TX. Tân Châu (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Lãnh đạo tỉnh An Giang khảo sát tình hình sạt lở ở huyện An Phú (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Lực lượng chức năng gia cố tuyến đường khu vực sạt lở bờ đông sông Hậu (xã Phú Hữu, huyện An Phú) (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Lãnh đạo tỉnh An Giang khảo sát thực tế tình hình sạt lở khu vực bờ kênh Xáng (xã Tân An, TX. Tân Châu) (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Lãnh đạo tỉnh An Giang làm việc tình hình sạt lở ở TX. Tân Châu và huyện An Phú (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Sạt lở nhiều nơi
Tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương hiện nay, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do nước lũ dâng cao tạo dòng chảy xiết, gây xói lở hai bên bờ và đáy sông, kênh, rạch kết hợp nền đất yếu, mái bờ dốc đứng và tác động do phương tiện thủy qua lại tạo sóng mạnh, gia tải trên đường bờ từ các hoạt động giao thông bộ, nhà dân... Ngoài ra, hiện tượng neo đậu bè nuôi cá làm giảm tiết diện mặt cắt ướt góp phần tăng lưu tốc dòng chảy, tạo dòng chảy rối từ đó làm tăng nguy cơ gây sạt lở.
Theo Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Thanh Lâm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã xảy ra 3 điểm sạt lở tại tuyến đê bờ bắc kênh Xáng (xã Tân An); cơ đê 26/3 (xã Châu Phong) và bờ kênh K5 (phường Long Sơn). Trong đó, tuyến đê bờ bắc kênh Xáng có chiều dài 6,2km, là tuyến đê xung yếu, hàng năm thường xảy ra sạt lở (từ năm 2009 đến nay đã sạt lở 20 đoạn, chiều dài 225m) đe dọa trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Hiện, tuyến đê này có 787 hộ, với 2.478 nhân khẩu, có 386/787 hộ bị ảnh hưởng tại các đoạn sạt lở đã xảy ra. Đặc biệt, có 163/386 hộ cần phải di dời khẩn cấp.
Còn tại huyện An Phú, theo Chủ tịch UBND huyện Trang Công Cường, đến nay, trên địa bàn xảy ra 18 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh thuộc địa bàn 6 xã, thị trấn (gồm các xã: Khánh Bình, Quốc Thái, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu và thị trấn Long Bình) có nguy cơ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, tài sản của người dân trên địa bàn huyện An Phú.
Chủ động ứng phó
Để chủ động ứng phó sạt lở, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Minh Hiển đề xuất các giải pháp căn cơ và lâu dài, như: Cần phải trồng và bảo vệ cây xanh, thảm cỏ trên ta-luy kè, đê, trồng cây ven sông để tăng cường độ bám dính của đất, giữ đất và hạn chế xói lở. Hạn chế phương tiện giao thông tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Cấm lưu thông các phương tiện có tải trọng lớn qua các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tăng cường hệ thống biển báo cảnh báo nguy hiểm sạt lở tại các khu vực có nguy cơ cao. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch và các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Phát động phong trào tham gia bảo vệ môi trường, trồng cây phân tán, bảo vệ môi trường sống ven sông, kênh, rạch. Khuyến khích người dân tham gia giám sát và báo cáo các dấu hiệu sạt lở cho chính quyền địa phương. Xây dựng các khu dân cư để di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao và từng bước di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở; có chính sách hỗ trợ tái định cư cho người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở về nhà ở, sinh kế.
Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào công tác quản lý sạt lở, như: Sử dụng ảnh vệ tinh, radar, hệ thống giám sát địa chất... Áp dụng các mô hình dự báo sạt lở để nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm. Sử dụng các vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng các công trình giao thông tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Quy hoạch các tuyến giao thông, khu dân cư, công trình, nhà máy... cách xa bờ sông đảm bảo an toàn.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo TX. Tân Châu, huyện An Phú và các sở, ngành liên quan về tình hình sạt lở, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị, TX. Tân Châu và huyện An Phú nhanh chóng di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân; đặc biệt, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các điểm có nguy cơ bị sạt lở để kịp thời gia cố; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu, các ngành chức năng và địa phương chủ động tìm giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở căn cơ, lâu dài, để ổn định cuộc sống của người dân gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Bên cạnh đó, khi thực hiện các công trình chống sạt lở cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng tiêu cực, gây lãng phí và lợi ích nhóm…
TRỌNG TÍN