Với phương châm: “Lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách”, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2020, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 13 người; tiến hành 10 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng tại 11 đơn vị.
Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý 2 vụ, 6 bị can, với số tiền 1.117 triệu đồng, gồm: vụ Nguyễn Thị Yến và 4 đồng phạm tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú, số tiền 43 triệu đồng; vụ Nguyễn Phước Linh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Bình (Phú Tân) có dấu hiệu “Vi phạm trong mua sắm tài sản công, xây dựng và đào ao nuôi cá trái phép”, số tiền 1.074 triệu đồng.
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 1 vụ, 1 bị can là bà Nguyễn Thị Tường Vi, nguyên kế toán Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP. Long Xuyên) về tội “Tham ô tài sản”, với số tiền 592 triệu đồng (đã nộp khắc phục), tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam và cấm đảm nhiệm chức vụ kế toán trong 3 năm kể từ ngày chấp hành án. Kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt, thực hiện hiệu quả các giải pháp của Đảng và nhà nước, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ảnh: Internet
Các cơ quan, đơn vị, địa phương coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Theo đó, giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý theo pháp luật và kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; rèn luyện lập trường quan điểm, bồi dưỡng tư tưởng, lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ý thức thực hiện nghiêm túc tác phong, đạo đức, trang phục, giờ giấc làm việc, ứng xử giao tiếp lịch sự, nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, công việc với người dân và doanh nghiệp...
Đồng thời, các cấp, ngành và địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; sự quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đã kịp thời phản ánh, ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; từng bước loại bỏ các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực, công việc nhạy cảm dễ phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với công tác thanh, kiểm tra, tự kiểm tra, nhất là ở lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận quan tâm về đất đai, môi trường, khoáng sản; tài chính, ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; chương trình mục tiêu quốc gia; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức...
Tăng cường kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chú trọng xây dựng đội ngũ công chức có đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm và năng lực thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà...
MINH THƯ