Tăng cường quản lý thức ăn đường phố

25/06/2024 - 07:55

 - Theo Sở Y tế, toàn tỉnh An Giang có gần 8.240 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Hàng rong, thức ăn đường phố có mặt khắp nơi, nhưng khâu kiểm soát nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh sự thuận tiện, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP, cần tăng cường quản lý.

Mối nguy thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố có nhiều lợi ích, như: Thuận tiện cho người tiêu dùng; giá rẻ nhất trong các dịch vụ kinh doanh ăn uống; loại thức ăn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhanh nhu cầu ăn uống... Tuy tiện dụng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với sức khỏe con người. Sử dụng thức ăn đường phố không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, có thể gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm...    

BS Lê Nhất Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh An Giang cho biết một số nguyên nhân mất ATVSTP đối với thức ăn đường phố: Do nguyên liệu không đảm bảo, mua nguyên liệu thực phẩm giá rẻ có thể không đảm bảo chất lượng (thịt, cá… đã ôi, thiu); mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc; vận chuyển và bảo quản nguyên liệu thực phẩm tươi sống không đúng cách, làm nguyên liệu ô nhiễm.

Quá trình chế biến không dùng riêng dụng cụ cho thực phẩm sống và chín, sử dụng các dụng cụ không đảm bảo làm nhiễm chất độc vào thực phẩm. Nơi chế biến bẩn, sát mặt đất, cống rãnh, nhiều bụi, ruồi, chuột, gián... bắn bẩn bụi, đất cát vào thực phẩm đã nấu chín.

Do không có điều kiện trang bị dụng cụ, thiết bị chứa đựng chuyên dụng thức ăn đã chế biến, nên thức ăn dễ bị ô nhiễm. Do người chế biến, kinh doanh vẫn bán hàng khi đang bị bệnh nên lây nhiễm vào thực phẩm.

Thức ăn đường phố thuận tiện, nhưng cũng tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Cần tăng cường quản lý

Để bảo đảm ATVSTP thức ăn đường phố, những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 354 đoàn kiểm tra. Trong đó, có 312 đoàn kiểm tra tuyến xã và đã tiến hành kiểm tra 5.084 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, kết quả có 5.037 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 99% cơ sở được kiểm tra).

BS Lê Nhất Linh đề nghị, để đảm bảo ATVSTP, cơ sở cần tuân thủ các quy định về ATVSTP trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Luật An toàn thực phẩm. Điều 31, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố: Phải cách biệt nguồn gây độc hại, ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm ATVSTP, mỹ quan đường phố.

Điều 32, điều kiện bảo đảm ATVSTP đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố: Nguyên liệu để chế biến phải bảo đảm ATVSTP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất - kinh doanh thực phẩm...

Tuân thủ các quy định

Người kinh doanh thức ăn đường phố phải giữ móng tay ngắn, sạch sẽ; có trang phục làm việc sạch sẽ khi tiếp xúc với thực phẩm; không hút thuốc, khạc nhổ khi bán hàng; ngừng kinh doanh khi bị các bệnh theo quy định... Đồng thời, rửa tay kỹ bằng xà bông và nước sạch; lau khô tay sau khi rửa; không lau, chùi tay vào quần, áo, tạp dề. Giữ vệ sinh nơi kinh doanh, chế biến và thiết bị.

Ngoài ra, để riêng thực phẩm sống và chín bằng cách: Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt; sử dụng riêng biệt dụng cụ dùng cho thực phẩm chín và sống. Để riêng thực phẩm cũ và mới, vì thực phẩm cũ có thể chứa các sinh vật gây ngộ độc và các sinh vật này sẽ nhiễm sang thực phẩm mới nếu chúng trộn lẫn với nhau.

Đồng thời, nấu và chế biến thực phẩm đúng cách để tiêu diệt các sinh vật trong thực phẩm. Thịt, thịt gà, trứng và hải sản đều phải nấu chín kỹ. Một số thực phẩm chứa chất độc tự nhiên (khoai mì, cóc...) phải biết cách chế biến, loại bỏ được chất độc trong thực phẩm. Thực phẩm nấu chín xong, chưa được tiêu thụ ngay phải bảo quản lạnh (50C hoặc lạnh hơn), bảo quản nóng (600C hoặc nóng hơn), không để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.

Về phía người tiêu dùng, lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATVSTP bằng cách quan sát: Cơ sở có cách biệt nguồn gây gây ô nhiễm như cống, bãi rác… Nếu gần cống thoát nước thì cống được che chắn kín. Thực phẩm bày bán để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; dụng cụ phục vụ ăn uống được làm bằng vật liệu an toàn, sạch sẽ...

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh An Giang cho rằng, công tác đảm bảo ATVSTP còn hết sức phức tạp, đặt ra nhiều thách thức. Để tăng cường đảm bảo ATVSTP, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền, người quản lý, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Trong đó, tăng cường quản lý thức ăn đường phố, không để ngộ độc; giám sát quy trình "3 sạch". Truyền thông, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng. Các địa phương, đơn vị và người dân tăng cường kiểm tra, giám sát ATVSTP thức ăn đường phố...

HẠNH CHÂU