Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP An Giang

03/10/2023 - 20:54

 - “Hoạt động quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh An Giang sẽ giúp các chủ thể mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và có động lực nâng cao chất lượng, hình thức sản phẩm ngày càng tốt hơn” - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Ngọc khẳng định.

Đầu tháng 10/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, Sở Y tế và UBND TP. Long Xuyên tổ chức “Hoạt động quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận An Giang, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh An Giang”.

Theo đó, sự kiện thu hút 18 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm: Trà kim ngân hoa, sirô Atiso đỏ, trà hoa đậu biếc, khô cá lóc, mật ong, muối tôm, gạo, sản phẩm mỹ nghệ thốt nốt, sản phẩm cơm cháy, yến, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo, dầu và cao xoa bóp… Các DN, chủ thể sản phẩm OCOP tham gia sự kiện đều rất tâm huyết, với mong muốn những sản phẩm “sinh ra từ làng” của An Giang được khách hàng biết đến nhiều hơn.

Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng vẫn có rất đông người dân đến tham quan và ủng hộ các sản phẩm OCOP tham gia sự kiện. Qua đó, khẳng định sự quan tâm của người dân An Giang đối với những đặc sản được hình thành từ phong vị và bàn tay sáng tạo của người dân quê mình.

Bác sĩ Vũ Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Nguyên cho biết: “Chúng tôi trồng và sản xuất trà kim ngân hoa từ năm 2021 đến nay. Hiện, công ty có vùng trồng chuyên canh cây kim ngân hoa tại xã Kiến An (huyện Chợ Mới) để làm nguyên liệu sản xuất.

Khi tham gia phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, chúng tôi được các sở, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi, cũng như hỗ trợ đầu tư máy sấy lạnh, máy đóng gói tự động, máy xay dược liệu. Đồng thời, được tư vấn hoàn thiện mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm, OCOP, ISO, FDA, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm tạo độ tin cậy với người tiêu dùng”.

Ông Vũ Minh Tú cho hay, công ty còn được tham gia các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, giao thương các tỉnh, thành phố trong nước, cũng như giới thiệu sản phẩm ra ngoài nước, nhất là khi tham gia các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến các đối tác trong cả nước. Trong đó, sự kiện quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh An Giang giúp công ty mở rộng thị trường cho sản phẩm trà kim ngân hoa.

Những năm qua, ngành chuyên môn và các địa phương trong tỉnh có nhiều nỗ lực trong thực hiện Đề án quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2023. Đến nay, toàn tỉnh có 81 sản phẩm của 52 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm OCOP An Giang đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được khách hàng nhiều nơi tín nhiệm.

“Nhằm đa dạng hóa thị trường cho sản phẩm OCOP của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các kỳ hội chợ triển lãm, hội thảo, kết nối giao thương.

Đồng thời, cũng đào tạo, tập huấn kiến thức cho chủ thể sản phẩm để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên sản phẩm OCOP, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, như: Shopee, TikTok. Ngoài ra, còn đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Hữu Ngọc cho hay.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh còn yêu cầu, hướng dẫn các DN, chủ thể sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, nhãn mác đủ chuẩn để thiết kế các gói quà tặng phù hợp thị hiếu khách hàng. Thực hiện việc kết nối các điểm dừng có kinh doanh sản phẩm OCOP vào các tour, tuyến du lịch để du khách dễ tiếp cận trong quá trình đến tham quan, trải nghiệm tại An Giang.

Tuy nhiên, việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của An Giang vẫn còn khó khăn, như: Tâm lý “sính hàng ngoại” khiến người dân chưa mặn mà với các sản phẩm OCOP; một bộ phận các chủ thể sản phẩm OCOP chưa tích cực tham gia công tác quảng bá sản phẩm, nên khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; hoạt động hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đôi lúc chưa kịp thời…

Để khắc phục hạn chế đó, ngành chuyên môn cần tăng cường kết nối, tìm kiếm đối tác phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP. Tăng cường đào tạo, hỗ trợ kỹ năng bán hàng, định hướng các chủ thể nâng cấp bao bì, nhãn mác và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Đặc biệt, phải tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới thông qua nhiều hình thức. Về phía các chủ thể sản phẩm, cần quan tâm đến việc áp dụng khoa học - công nghệ, vận dụng các hình thức thương mại điện tử để đa dạng hóa kênh tiêu thụ, tích cực tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm…

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ, sự kiện kết nối giao thương hàng hóa với các địa phương trong cả nước. Đồng thời, nỗ lực kết nối, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vào phục vụ hoạt động du lịch, tạo tiền đề để các sản phẩm OCOP có thị trường ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới” - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Ngọc khẳng định.

MINH QUÂN