Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

01/12/2020 - 07:14

 - Những năm qua, việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hộc tập luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, từ đó hệ thống quỹ Khuyến học trong tỉnh cùng với cấp ủy Đảng các cấp, từng bước đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu.

UBND huyện Thoại Sơn tặng giấy khen cho các đơn vị tài trợ, xây dựng quỹ Khuyến học xã Vĩnh Khánh

Nâng cao nhận thức

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng cho biết, để đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào chiều sâu, thời gian qua các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp, xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT/TW, ngày 13-4-2007 của Bộ chính trị, Chỉ thị số 31- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đều dựa trên tình hình thực tiễn tại mỗi địa phương để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống. Đây là cách làm sáng tạo, linh hoạt của Hội Khuyến học các cấp nhằm đưa hoạt động này đi vào chiều sâu.

Sau khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Hội Khuyến học từ huyện đến xã đã tổ chức họp, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hội viên, đoàn thể cùng cấp; nâng cao nhận thức của bản thân, gia đình từng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội; từng công chức, viên chức ở các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Từ đó, ở mỗi địa phương trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng. Đi đầu trong các phong trào vừa nêu là các huyện: Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, TP. Long Xuyên và TX. Tân Châu. Ở mỗi địa phương, tùy vào tình hình thực tiễn, các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, hướng dẫn của hội cấp trên để đưa phong trào khuyến học đi sâu vào cuộc sống cộng đồng.

Xây dựng mô hình

Nếu ở Chợ Mới đẩy mạnh phong trào xây dựng nhiều dòng họ học tập thì TX. Tân Châu có phong trào gia đình học tập, TP. Long Xuyên có cộng đồng học tập. Riêng huyện Thoại Sơn còn có cách làm sáng tạo hơn, ngoài xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, địa phương này còn vận động các nguồn lực xã hội để xây dựng mỗi xã 1 quỹ Khuyến học, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương.

Tính đến thời điểm này, Thoại Sơn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng quỹ Khuyến học xã, trường. Bình quân mỗi quỹ Khuyến học có kinh phí từ 1 tỷ đồng trở lên và kết quả đến nay, toàn huyện Thoại Sơn có nguồn quỹ chuyên chăm cho công tác khyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên 20 tỷ đồng. “Cách làm của Thoại Sơn là rất hay và sáng tạo. Thay vì cứ mỗi đầu năm học, từng trường, từng địa phương đi vận động xã hội để thực hiện “Tiếp bước đến trường” thì từ nguồn vốn sẵn có này, Hội đồng Quản lý đã gửi vào ngân hàng để lấy lãi hỗ trợ cho các em học sinh. Như vậy, nguồn quỹ này sẽ không bị mất đi mà ngược lại sẽ được vun đắp ngày càng nhiều hơn; huy động được nhiều ngành, nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương” - ông Dũng chia sẻ.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thời gian qua mỗi địa phương trong tỉnh có cách làm sáng tạo khác nhau, từ đó đã giúp phong trào này phát triển rất mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thực tiễn chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy Đảng có sự quyết tâm, quan tâm chỉ đạo, sâu sát tình hình, tổ chức sơ, tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm, đề ra định hướng phát triển trong thời gian tới thì nơi đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ mạnh lên, huyện Thoại Sơn là một điển hình sinh động. “Để mỗi xã xây dựng được 1 quỹ Khuyến học, Huyện ủy, UBND huyện Thoại Sơn đã có chủ trương, xã nào vận động xây dựng quỹ Khuyến học thì UBND huyện sẽ cho 50 triệu đồng làm vốn mồi. Nguồn vốn mồi này có tác động rất lớn, thể hiện sự quan tâm lãnh, chỉ đạo; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với phong trào khuyến học, khuyến tài; từ đó các địa phương đã thi đua, nỗ lực, hăng hái thực hiện và đến nay 100% xã, thị trấn trên địa bàn đều có quỹ khuyến học” - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thoại Sơn Nguyễn Khảm chia sẻ.

“Ở địa phương của tôi, nhờ nhà nước quan tâm, chăm lo công tác khuyến học mà con em các gia đình nghèo trong xã tiếp tục được đến trường, lấy con chữ để lập thân, lập nghiệp. Nếu không có sự tiếp sức của nhà nước, của các thầy, cô thì chắc chắn con tôi đã nghỉ học vì gia đình không lo nổi cho cháu…” – bà Trần Thị Lệ chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN