Thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh An Giang

Tăng huyết áp, nguy cơ và biện pháp phòng ngừa

19/05/2020 - 08:04

Tăng huyết áp là một trong các bệnh không lây nhiễm, có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, có 25% người trưởng thành trên 25 tuổi có tăng huyết áp, trong đó 52% không biết mình tăng huyết áp.

ThS. BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết, phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát hay vô căn), chỉ có khoảng dưới 5% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát). Tăng huyết áp nguyên phát thường liên quan đến một số yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc lối sống: gia đình, tuổi cao, béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, ăn mặn, rối loạn lipid máu.

Triệu chứng bệnh ban đầu không rõ ràng, thường là nhức đầu, chóng mặt, nặng ngực, khó thở hoặc không có triệu chứng. Bệnh có thể diễn ra thầm lặng trong thời gian dài và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng như: tai biến mạch máu não (xuất huyết não, nhồi máu não), biến chứng tim (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy tim), suy thận, bệnh động mạch chi và tổn thương võng mạc gây mù lòa. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta.

Theo BS Trí, có thể phòng ngừa tăng huyết áp bằng việc áp dụng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn hợp lý: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút/ngày; tránh lo âu, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; giảm ăn mặn, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế mỡ động vật; hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá, duy trì cân nặng lý tưởng.

Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp thì huyết áp phải được kiểm soát theo mục tiêu: huyết áp tâm thu <140mmHg và huyết áp tâm trương <90mmHg để giảm thiểu biến chứng bằng các biện pháp thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn nói trên và dùng thuốc hạ áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc hạ áp được sử dụng là lợi tiểu thiazide hoặc giống thiazide, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II, chẹn kênh can-xi, chẹn beta giao cảm. Xu hướng hiện nay là khởi trị với phối hợp 2 hoặc 3 thuốc liều cố định trong 1 viên để tăng cường kiểm soát huyết áp mục tiêu và tăng tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

BS Trí khuyến cáo, để phòng ngừa tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch nguy hiểm, người trưởng thành cần khám sức khỏe, đánh giá các yếu tố nguy cơ, đo huyết áp định kỳ ít nhất 1 lần/năm ngay cả khi khỏe mạnh, không có triệu chứng gì. Đối với người tăng huyết áp cần hiểu rõ điều trị tăng huyết áp là lâu dài và cần thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn, tuân thủ uống thuốc hạ áp theo đơn của bác sĩ.

HẠNH CHÂU