Tăng thu nhập từ nghề truyền thống

13/05/2022 - 05:54

 - Từ sự cần cù, khéo léo, bám trụ với nghề truyền thống, nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương (đa phần là phụ nữ) có thêm nguồn thu nhập đáng kể để trang trải, cải thiện kinh tế gia đình.

Vừa có thời gian ở nhà chăm lo cho gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập từ các nghề truyền thống.

Tuy không còn xôm tụ như thời gian trước đây, nhưng nghề chằm nón lá ở xã Hòa An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được người dân duy trì gần 100 năm qua. Nhiều người dân coi đây là nghề phụ, nhưng nghề này lại giúp lao động địa phương có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Để cho ra đời một chiếc nón lá hoàn chỉnh, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ phơi lá, cán lá, vót tre làm vành nón, làm khung, khâu lá… Khi có thêm lao động nhận gia công từng công đoạn, thời gian làm nón lá nhanh hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích có gần 20 năm gắn bó với nghề. Thay vì một mình hoàn thành cái nón, bà đặt hàng gia công nón lá thô, sau đó đem về nhà nức thêm vành, khâu quai, quét dầu bóng rồi giao hàng cho đầu mối ở chợ. Nhờ có nhiều mối quen, làm ăn lâu với nhau, đảm bảo chất lượng, nón lá bà Bích giao luôn đắt hàng.

“Ở xóm này, hầu như phụ nữ ai cũng có nghề chằm nón lá, nhất là mấy chị em trên 50 tuổi. Trước đây, tôi tự tay chằm hoàn chỉnh 1 cái nón, cực công dữ lắm, vì quá nhiều công đoạn. Việc đặt hàng các nơi gia công thô nón lá, sẽ giúp mình tiết kiệm công sức. Sau khi nhận hàng, mình chỉ làm thêm một vài công đoạn nhỏ nữa là hoàn thành. Vừa làm, vừa bán như vậy, số tiền kiếm được ngợi hơn” - bà Bích giải thích.

Mối nhập nón lá của bà Bích chủ yếu là chợ ở huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), mỗi lần đi giao có thể từ 200 - 600 nón lá trở lên. Bà Bích cho biết, thời điểm nón lá đắt hàng nhất là sau Tết Nguyên đán, phục vụ nông dân làm lúa đông xuân. “Nếu mối đặt nhiều, ở nhà làm không kịp thì tôi thuê thêm người làm vành nón, để có số lượng lớn hơn. Những lúc hàng bán không chạy (tháng 10 âm lịch tới Tết), mình vẫn phải làm để trữ sẵn, đến lúc đầu mối cần, sẽ có hàng giao nhanh” - bà Bích chia sẻ.

Nghề chằm nón lá tuy không giàu có, nhưng có thể giúp chị em phụ nữ tranh thủ thời gian nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập mỗi ngày. Từ công việc của mình, bà Bích lo chuyện nhà, cơm nước cho con cái, vừa kiếm thêm khoảng 1 triệu đồng/tuần, phần nào trang trải kinh tế gia đình.

Được mẹ chồng truyền nghề làm chổi bông cỏ, đến nay chị Trần Ngọc Diệu (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) gắn bó được gần 18 năm. Nguyên liệu bông cỏ được lấy từ làng nghề bó chổi ở Cồn Nhỏ (xã Phú Bình, huyện Phú Tân). Theo chị Diệu, hồi trước đường sá qua làng nghề chưa thuận tiện, nên nguyên liệu lấy phần nhiều ở TP. Long Xuyên, giá thành cao hơn, lợi nhuận không được nhiều. Hiện nay, nguyên liệu được giao tận nơi, giá rẻ hơn.

Theo đó, mỗi ký bông cỏ, người thợ lành nghề có thể bó được 2 cây chổi lớn. Mỗi sáng, ngoài chở rau cải, chị Diệu còn chở thêm chổi bông cỏ sau xe để chào bán cho người đi chợ. Nhờ chổi bó đẹp, bền, chắc chắn nên chị Diệu tìm được nhiều khách lẻ và mối bỏ sỉ ở ngay chợ. “Nhà có 3 đứa con đi học, vợ chồng tôi cố gắng làm mới đủ xoay sở. Vừa bán rau cải, rồi làm thêm nghề bó chổi này, mỗi ngày tôi có thể kiếm được trên 200.000 đồng”- chị Diệu chia sẻ.

Trừ thời gian buôn bán rau cải ở chợ Bình Hòa, cơm nước cho gia đình, rảnh lúc nào chị Diệu tranh thủ bó thêm vài cây chổi lúc đó, để kịp bán cho buổi chợ sáng mai. Đối với chổi lớn, mỗi ngày chị Diệu bó được từ 5-10 cây, giá từ 35.000-40.00 đồng/cây, tùy vào bỏ sỉ hay bán lẻ.

“Hôm nào có chồng phụ tiếp tách lọn bông cỏ, chót cán… tôi làm nhanh hơn. Hiện giờ, chổi bông cỏ có nhiều loại, từ chổi hàng (chổi mỏng) đến chổi đặt (chổi dày, chắc chắn), cán bằng nhựa, bằng cây trúc… Loại nào tôi cũng làm được, tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách” - chị Diệu giải thích thêm.

Có tay nghề, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, nắm bắt nhu cầu thị trường và quan tâm cải thiện chất lượng nên chị em phụ nữ ở các địa phương có nghề truyền thống thêm thu nhập, ít hay nhiều đều góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích