Tạo điểm nhấn cho du lịch Tri Tôn

08/12/2020 - 06:21

 - Giai đoạn 2020-2025, Tri Tôn (An Giang) xác định du lịch (DL) là ngành kinh tế động lực, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những điểm nhấn của DL Tri Tôn một lần nữa khẳng định điều này.

Kết nối liên hoàn

Ngay trước khi diễn ra sự kiện dù lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” - điểm bay dù lượn đầu tiên của ĐBSCL, UBND huyện Tri Tôn đã cho triển khai thi công nhanh việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường bê-tông dẫn vào Khu liên hợp VH-TT&DL Soài Chek (gần khu vực hồ Soài Chek, thuộc ấp Tô Hạ, xã Núi Tô). Con đường tuy chỉ dài 1.160m nhưng là tuyến kết nối quan trọng vào “ngã ba DL” Soài Chek - Soài So - đồi Tức Dụp, những địa danh nổi tiếng dưới chân núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Con đường được thiết kế với lớp bê-tông cốt thép có tổng kinh phí đầu tư trên 5,8 tỷ đồng.

Du lượn tạo thêm điểm nhấn du lịch mới cho Tri Tôn

Từ tuyến đường này, các phương tiện 4 bánh lưu thông dễ dàng từ đồi Tà Pạ vào Khu liên hợp VH-TT&DL Soài Chek rồi xuống Soài So - Suối Vàng hoặc qua Khu DL đồi Tức Dụp rất thuận tiện, không phải đi đường vòng theo từng điểm rời rạc như trước. Cùng với mở rộng, nâng cấp con đường, UBND huyện Tri Tôn vận động xã hội hóa xây dựng cổng chào vào Khu liên hợp VH-TT&DL Soài Chek với thiết kế dạng cổng tam quan, gắn hệ thống đèn led, trang trí các tiểu cảnh dọc tuyến đường dẫn. Trước đó, con đường từ trung tâm huyện Tri Tôn vào đến cổng tam quan đã được xây dựng xong.

Tại thị trấn Tri Tôn, bằng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện đã xây dựng xong con đường hoa với ánh sáng đèn rực rỡ vào ban đêm, thích hợp cho người dân và du khách đi bộ, dạo chơi, chụp ảnh “check-in”; công viên Nguyễn Trãi thoáng đãng… Dọc các tuyến đường chính, những bức tường công sở, trường học như sống động hẳn lên khi xuất hiện các bức bích họa về cảnh đẹp, vùng đất và con người Tri Tôn, do chính những giáo viên mỹ thuật trên địa bàn huyện thực hiện.

Nằm gần trung tâm huyện là đồi Tà Pạ với ngôi chùa cổ Khmer độc đáo, hồ Tạ Pà đẹp lung linh nằm trên lưng chừng giữa trời mây.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, hiện có doanh nghiệp đã khảo sát, đồng ý đầu tư lớn vào đồi Tà Pạ. Tại đây sẽ hình thành các resort nghỉ dưỡng trên đồi, biểu tượng nổi tiếng của các nước, các dịch vụ du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách. Doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gạo đặc sản Bảy Núi với chủ lực là giống lúa ST24 (đạt giải Gạo ngon nhất thế giới) bổ sung thêm các thành phần Vitamin bổ dưỡng, sản xuất hữu cơ với tiêu chuẩn sạch để phục vụ tại chỗ và đóng gói cho du khách mua làm quà…

Điểm đến hấp dẫn

Sau khi tổ chức thành công sự kiện dù lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” vào cuối tháng 11 vừa qua, những hình ảnh đẹp về Tri Tôn xuất hiện trên các trang báo, các Fanpage Facebook, các diễn đàn DL, các hội, nhóm phượt… khắp cả nước. Hình ảnh những phi công xuất phát từ Phụng Hoàng Sơn, bay lượn tự do trên bầu trời, bên dưới là những ngọn đồi nhấp nhô, những thửa lúa chín vàng, những mảng rừng xanh, vườn cây ăn trái, con đường quê uốn lượn… trở nên đẹp lung linh, tạo nên sức hút khó tả.

“Một số người chưa hiểu rõ nên cho rằng, dù lượn là môn thể thao nguy hiểm nhưng thật ra khá an toàn nếu như có bước chuẩn bị tốt. Các phi công mới phải trải qua các bước huấn luyện kỹ năng, kỹ thuật. Trước khi bay, phi công phải “check” (kiểm tra) lại dụng cụ, “check” điều kiện gió, thời tiết, đảm bảo điều kiện bay. Tôi đã tham gia dù lượn nhiều vùng miền trong nước, mỗi nơi có đặc trưng riêng. Ví dụ như Tây Bắc có những dãy ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch, Đà Nẵng có những bãi biển chạy dài, còn vùng Bảy Núi - An Giang lại là nơi duy nhất của ĐBSCL có núi. Thế mạnh của vùng này là có những cánh đồng mênh mông, những dòng kênh đan xen, những hàng cây thốt nốt độc đáo…

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, tôi tin điểm bay mới trên Phụng Hoàng Sơn sẽ được duy trì thường xuyên, tạo thành sân chơi mới cho anh em đam mê dù lượn miền Tây, miền Đông Nam Bộ, thu hút phi công dù lượn trong nước và quốc tế, kéo theo lượng khách DL khá lớn đến đây” - anh Đàm Ngọc Huy (thành viên Hội Dù lượn TP. Hà Nội) chia sẻ.

Đua bò Bảy Núi vẫn là môn thể thao hấp dẫn người xem

Cùng với điểm bay dù lượn mới trên Phụng Hoàng Sơn, Tri Tôn cũng đã xây dựng xong sân đua bò Bảy Núi, Nhà trưng bày truyền thống cách mạng - văn hóa, dân tộc huyện trong Khu liên hợp VH-TT&DL Soài Chek. Đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức biểu diễn dù lượn, đua bò Bảy Núi, đua môtô địa hình, biểu diễn văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer kết hợp giới thiệu, quảng bá DL Tri Tôn, xây dựng biệt thự vườn, nhà nghỉ homestay, điểm bán đặc sản, ẩm thực, các sản phẩm và dịch vụ DL hấp dẫn du khách.

“Huyện sẽ duy trì tổ chức các sự kiện VH-TT&DL đa dạng, phong phú, các loại hình DL đặc thù có sức cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt, phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu của du khách để tạo điểm nhấn, sức bật thu hút khách đến tham quan, khám phá vùng đất Tri Tôn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang nhấn mạnh.

Ông Giang cho biết thêm, thời gian tới, Tri Tôn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng DL, đồng thời ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án DL mang tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực DL đầu tư phát triển các loại hình DL trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Việc tập trung đầu tư vào Khu liên hợp Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Soài Chek và các khu, điểm DL kết nối liên hoàn nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, tạo bước đột phá để phát triển DL Tri Tôn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, đưa DL trở thành ngành kinh tế động lực, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 của huyện.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN