Tạo động lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19

04/08/2020 - 08:28

Có thể nói kinh tế thế giới đang bị virus SARS-CoV-2 tàn phá khi biểu đồ lên xuống các ca lây nhiễm mới trùng khớp với kết quả các hoạt động kinh tế.

Nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, thứ ba bùng phát trở lại tại nhiều nước cùng với những diễn biến hết sức khó lường của đại dịch COVID-19 đang ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế vốn rất mong manh sau giai đoạn phong tỏa. Nối tiếp đà suy giảm rõ rệt trong quý I năm nay, kinh tế toàn cầu trong quý II cũng “trượt dốc”. Khả năng kinh tế toàn cầu đã qua khoảng thời gian khó khăn nhất và sớm phục hồi tăng trưởng mạnh dường như vẫn chỉ là hy vọng. 

Tăng trưởng "trượt dốc" 

Chú thích ảnh

Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Manhattan, New York, Mỹ ngày 29-5-2020. Ảnh: THX-TTXVN

Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 33% trong quý II-2020 - mức yếu kém nhất kể từ năm 1947. Tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh lúc này sẽ làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ sớm phải đối mặt với làn sóng phá sản lớn. Điều đó sẽ xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp cao tạo căng thẳng đến mức "không thể chịu nổi" đối với ngân sách hộ gia đình, cũng như khi áp lực gia tăng đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch, nhà hàng, bán lẻ và giải trí. Nó cũng sẽ xảy ra khi ngành dầu đá phiến Mỹ bị suy giảm do giá dầu thế giới thấp, còn khu vực bất động sản thương mại phải đối mặt với tình trạng dư thừa văn phòng và các trung tâm mua sắm bị bỏ trống bởi mọi người chọn làm việc từ xa và mua sắm trực tuyến. Hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Fitch ngày 31-7 đã hạ triển vọng kinh tế của nước này từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực" do thâm hụt ngân sách cao, song vẫn duy trì xếp hạng tổng thể ở mức cao nhất "AAA".

Bên kia bờ Đại Tây Dương, bức tranh kinh tế châu Âu cũng kém sắc. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết trong quý II-2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Một số nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều thông báo tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong quý II-2020. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức giảm 10,1% so với quý I-2020, trong khi GDP của Italy giảm 12,4%, Pháp giảm 13,8%, Bồ Đào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha - một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, ghi nhận mức giảm tới 18,5%. 

Trong khi đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định GDP thực tế của nước này có thể giảm 4,5% trong tài khóa 2020 (từ tháng 4-2020 đến hết tháng 3-2021). Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có triển vọng sáng hơn. Các chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục nhanh hơn các nước khác, dù kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu. Ngân hàng UBS Group AG nhận định nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, cao hơn so với mức 1,5% mà UBS Group AG đưa ra trước đó do sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và đầu tư mạnh mẽ. 

Đại dịch COVID-19 cũng đã phơi bày những khó khăn ở các nước Đông Nam Á, cho dù những quốc gia này ghi nhận hoạt động kinh tế mạnh mẽ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) vừa công bố báo cáo khảo sát về các nền kinh tế châu Á, trong đó dự báo 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (ASEAN-5) sẽ lún sâu vào suy thoái do tác động của đại dịch. Kết quả khảo sát cho thấy triển vọng đối với các nền kinh tế châu Á đang xấu  hơn trong quý II-2020, khi dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động kinh doanh trên khắp khu vực này bị hạn chế.

JCER dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN-5 trong quý II-2020 là âm 7,8%, giảm tới 9,7 điểm so với cuộc khảo sát mà JCER thực hiện vào tháng 3. Cả 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đều sẽ tăng trưởng âm, trong đó tốc độ suy giảm của Malaysia, Thái Lan và Singapore có thể vượt ngưỡng 10%. Tốc độ suy thoái mạnh của Malaysia phản ánh các tác động của biện pháp phong tỏa trên toàn quốc kéo dài ba tháng từ ngày 18-3 tới 9-6. Nền kinh tế Thái Lan, ngoài tác động của biện pháp phong tỏa, còn bị thiệt hại nặng nề do sự suy giảm của ngành du lịch và xuất khẩu. 

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các nước, song không phải tất cả các nền kinh tế đều chịu tác động như nhau. Với kết quả chống dịch hiệu quả, kinh tế Việt Nam được đánh giá chịu tác động ít hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 30-7 nhận định kinh tế Việt Nam “vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi” dù bị ảnh hưởng đáng kể vì COVID-19. Theo WB, Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ năm trên thế giới trong năm 2020 và có cơ hội đặc biệt để nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư. WB cũng dự báo trong trường hợp xấu, tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm nay và 4,5% trong năm tới.        

Thách thức "kép"

Đại dịch COVID-19 còn diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, có thể đặt các nền kinh tế, trong đó có những đối tác chủ chốt cũng như chính Việt Nam, trước những thách thức lớn cả ở bên trong lẫn bên ngoài.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng những tác động của dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng y tế trăm năm mới xảy ra một lần, có thể sẽ kéo dài nhiều thập niên. Trong 7 tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại, đầu tư, sản xuất kinh doanh trên toàn cầu hầu như bị đình trệ.

Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13-32% so với năm 2019, tùy theo diễn biến dịch bệnh. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo tình hình dịch bệnh khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm nay giảm khoảng 40% so với năm ngoái và tiếp tục giảm từ 5-10% trong năm 2021. Các tổ chức cũng đánh giá suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 đã rõ rệt với mức suy giảm từ 4,9-7%.

Việt Nam đứng thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, chỉ sau Singapore. Bên cạnh đó, tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP của Việt Nam ở mức 198, nằm trong nhóm cao nhất châu Á; trong đó, xuất khẩu hàng điện tử chiếm tỷ trọng lớn. Cho dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các đối tác lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang có những điều kiện thuận lợi, đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển, đã có hiệu lực từ ngày 1-8, song tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra những thách thức nhất định cho Việt Nam.

Một trong những yếu tố tạo thách thức là nhu cầu thế giới đang giảm rất mạnh, trong bối cảnh sức cầu từ bên ngoài và tiêu dùng trong nước đóng góp trên 75% cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019. Trước tình hình dịch chưa được kiểm soát, mọi người càng lo lắng về sự bất ổn nên có xu hướng tiết kiệm và giảm tiêu dùng. Điều này thể hiện phần nào qua tâm lý phổ biến là mua tài sản có giá như vàng, đồng franc Thụy Sĩ, chứ không dùng tiền để đầu tư.  

Nhu cầu giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam và điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, đứt gãy kinh tế còn kéo dài, nền kinh tế bị tổn thương, doanh nghiệp còn yếu thì sự phục hồi sẽ khá lâu, dẫn đến những tác động cả về kinh tế và xã hội. WB cho rằng thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục.

Báo cáo của WB lập luận rằng các nước như Việt Nam không nên tư duy theo hướng đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như cũ mà thay vào đó, nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Trong đó, việc tìm hướng thay thế cho động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, bao gồm sức cầu ở nước ngoài và động lực tiêu dùng trong nước, là rất quan trọng. 

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát sẽ luôn tạo ra những nguy cơ đe dọa làm chệch hướng phục hồi kinh tế ở mọi quốc gia. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bên cạnh những quyết sách đúng đắn còn đòi hỏi nỗ lực chống dịch hiệu quả của chính phủ cũng như từng cá nhân.
                           
Đi tìm cách thức hợp tác

Chú thích ảnh

Hàng hóa tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP-TTXVN

WHO đã cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vaccine đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với COVID-19 và chiến đấu với dịch bệnh này bằng các công cụ mà chúng ta có.   

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe người dân có thể là lý do rõ ràng hơn để các quốc gia can thiệp vào thị trường toàn cầu. Các chính phủ can thiệp vào mạng lưới kinh tế chủ yếu nhằm định hình lại chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp duy nhất để bảo đảm an ninh kinh tế, ngay cả khi điều đó có thể phải trả giá. Chính phủ Nhật Bản đã cấp một khoản trợ cấp trị giá 2 tỷ USD cho các doanh nghiệp để dịch chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc trở về Nhật Bản hoặc sang Đông Nam Á.

Trung Quốc trước đó cũng đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài với kế hoạch "Made in China 2025". Mỹ đã thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều chính sách khuyến khích tiếp tục sản xuất tại thực địa, đồng thời hạn chế nguồn cung công nghệ cho đối thủ. Các nền kinh tế trên toàn cầu, từ các nước châu Âu, Ấn Độ, Canada, Australia hay Hàn Quốc, đã đưa ra những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Một loạt quy tắc quốc tế cũng đang dần bị vô hiệu hóa.

Giới chuyên gia cho rằng đại dịch đã tấn công một thế giới vốn đã đầy những bất ổn, khi mà bản năng cạnh tranh vượt qua những suy nghĩ cùng hợp tác. Tuy nhiên, thế giới ngày nay thậm chí còn đan xen và phụ thuộc lẫn nhau hơn so với hơn một thập niên trước. Đại dịch COVID-19 với các hiệu ứng không có biên giới, cũng giống như các cuộc tấn công của virus corona khắp trên bản đồ thế giới, nhắc nhở cả cộng đồng quốc tế rằng hợp tác, phối hợp hành động mới là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

COVID-19 được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua, tàn phá không chỉ các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến các nền kinh tế lớn rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, thế giới đang cần có những nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đối phó với tác động của đại dịch, trên một nhận thức chung, rằng hợp tác với nhau lúc hoạn nạn là vì lợi ích của tất cả các nước.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có hành động nhanh chóng cùng cách tiếp cận toàn diện hơn, bắt nguồn từ việc cùng thay đổi để có được lối sống bền vững, chăm sóc con người và quan tâm đến môi trường "Mẹ thiên nhiên" để có thể giải quyết được những vấn đề sâu xa nhất. Đây có thể coi là những động lực mới cho sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Theo TỐ UYÊN (Báo Tin Tức)