Trường THPT Hòa Lạc được chọn là điểm tổ chức chuyên đề thư viện năm nay của cụm THPT Phú Tân. Thư viện kết hợp tổ chuyên môn văn học, các đoàn thể nhà trường thực hiện chuỗi hoạt động: giới thiệu sách, dựng lại tác phẩm theo chủ đề, đố vui, hò vè đối đáp, biểu diễn thời trang, triển lãm các gian hàng, ẩm thực. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên, học sinh mạnh dạn thể hiện kiến thức và quan điểm của mình về sách qua những tác phẩm cụ thể, sân khấu hóa tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo, hóa trang các nhân vật trong tác phẩm văn học. Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Lạc Phạm Thành Nỏ nhận định, chuyên đề này có ý nghĩa rất tốt, bởi học sinh khi xem tiểu phẩm sẽ nhớ được những hình ảnh trong tác phẩm văn học gắn liền với đời sống. Điển hình như qua hóa trang, học sinh nhận diện được nhân vật trong tác phẩm, mỗi tiểu phẩm sẽ để lại ấn tượng cho các em hình dung tác phẩm văn học cụ thể hơn. Hiệu quả này đã đúng với chủ đề đặt ra là sự gắn liền giữa văn học và đời sống. Bên cạnh đó, giáo viên đã ứng dụng được phương pháp mới trong công tác giảng dạy để cùng học hỏi, trao đổi lẫn nhau và nâng cao nghiệp vụ. Phương pháp truyền tải bài dạy trực quan giúp học sinh hiểu sâu hơn về nội dung, nhân vật trong tác phẩm văn học.
Trong điều kiện phát triển công nghệ hiện nay, việc học của học sinh được hỗ trợ rất nhiều từ internet, sách điện tử, ứng dụng hỗ trợ từng môn học riêng biệt. Tuy nhiên, được tiếp cận từng trang sách, đọc và ngẫm nghĩ vẫn đem lại cho các em một sự thích thú khác biệt. Không phải mọi kiến thức đều có sẵn trên mạng, nhất là phải được chọn lọc, đúc kết sâu sắc qua biên soạn của nhiều người. Đối với học sinh, thông qua hoạt động chuyên đề, các em đã thấy được những bổ ích của môn Văn học, ý thức trong việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp. Em Nguyễn Đăng Trường (học sinh lớp 12C5) chia sẻ: “Chuyên đề thư viện đã cho chúng em biết thêm về giá trị nhân văn của từng tác phẩm và nhân vật văn học. Bên cạnh đó, chúng em thấy rõ lợi ích của việc đọc sách, tìm tòi từ sách và nhận diện những giá trị rộng lớn trong cuộc sống. Nhờ chuyên đề này, em biết thêm nhiều tác phẩm văn học mà chỉ sách mới có, đồng thời còn được giao lưu với các trường bạn. Em hy vọng sân chơi này được duy trì và phát triển quy mô hơn để học sinh biết cách tự học từ sách thành công”.
Cô Phạm Thị Hồng Sương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, chuyên đề thư viện đã duy trì được 3 năm (bắt đầu từ năm học 2016-2017) cho cụm trường THPT huyện Phú Tân với 2 hình thức: tuyên truyền miệng và tuyên truyền trực quan. Phần tuyên truyền miệng, Trường THPT Chu Văn An thuyết trình với chủ đề “Sức sống của lời ru Việt”. Thông qua các hoạt động chuyên đề, các đơn vị thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ thư viện, chất lượng hoạt động của thư viện trường học, qua đó, nhân viên thư viện đề ra phương hướng, nhiệm vụ với nội dung cụ thể, thiết thực để tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn, thu hút bạn đọc đến thư viện nhiều hơn. Theo cô Sương, lợi ích lớn nhất từ sân chơi này là giáo viên và học sinh đều nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thư viện trong trường học, hỗ trợ tốt cho thầy và trò tiếp cận sách một cách thoải mái, bổ sung thêm kiến thức trong giảng dạy, học tập. Chất lượng nội dung của chuyên đề thúc đẩy phong trào đọc và nghiên cứu của giáo viên và học sinh, nâng cao và phát triển văn hóa đọc.
Chuyên đề khép lại với những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích được sẻ chia, trao đổi, hơn nữa là những cảm nhận từ chính học sinh khi các em tìm thấy sự hứng khởi, yêu đọc sách hơn.
Học sinh hóa trang nhân vật dân gian và diễn tiểu phẩm
MỸ HẠNH