Tạo hứng thú học tập cho học sinh

24/05/2022 - 05:59

 - Những thầy, cô giáo tâm huyết với nghề này luôn miệt mài sáng tạo ra phương pháp dạy học mới, truyền cảm hứng, giúp học sinh hình thành thói quen học tập hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thức trải nghiệm thực tế còn giáo dục lòng tự hào dân tộc, nét văn hóa truyền thống, rèn luyện kỹ năng mềm cần thiết cho học sinh.

Học sinh được hướng dẫn gói bánh kà-tum

Rèn luyện thói quen tự học

Đã là năm thứ 2 Liên đội Trường THCS Long Phú (phường Long Phú, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) cho học sinh tham gia học tiếng Anh thông qua ứng dụng Duolingo. Theo thầy Phạm Thành Lẫm (giáo viên Tổng phụ trách Đội), năm học trước do dịch bệnh COVID-19, cùng một số yếu tố khác nên hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn. Năm học này, Liên đội lên kế hoạch cụ thể hơn, phát động các em tham gia, có tổng kết và phát thưởng theo tuần.

Ngoài ra, cuối tháng tổ chức thi chung kết, nhằm khích lệ tinh thần học tập của các em. Nhà trường nhờ sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học An Giang, là cựu học sinh của trường) tham gia nhận xét, đánh giá khả năng giao tiếp của các em, thông qua chủ đề hội thoại đã chọn trước đó.

Ban đầu, hoạt động dự kiến khoảng 30 học sinh tham gia. Đến nay, số lượng tăng lên gần 90 em. “Mong muốn lớn nhất là giúp các em nhận biết được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, nhất là khả năng giao tiếp tiếng Anh trong học tập, cũng như trong công việc sau này. Hơn thế nữa, là hình thành thói quen tự học” - thầy Lẫm giải thích. Các em tải ứng dụng, đăng nhập bằng email cá nhân, nhập mã lớp học… sau đó có thể học tập mọi lúc, mọi nơi trên máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh.

Trên ứng dụng, các em lựa chọn cấp độ học từ dễ đến khó, qua đó rèn luyện khả năng nhớ từ vựng, phát âm, giao tiếp trực tiếp ngay trên ứng dụng. Hàng tuần, thầy Lẫm tổng kết trao thưởng cho 5-10 học sinh có thành tích học tập tốt, thời gian học tập trên 2,5 giờ/tuần. “Liên đội không có nhiều kinh phí, chủ yếu “xuất tiền túi”, phần quà đơn giản là những quyển tập, nhưng các em rất phấn khởi. Vui nhất là mỗi buổi tối, đúng 20 giờ là các em tự nhắc nhở nhau vào lớp. Với môn tiếng Anh, mỗi ngày các em chỉ cần học khoảng 3 từ mới là sẽ giúp ích rất nhiều cho khả năng giao tiếp” - thầy Lẫm chia sẻ.

Giáo dục văn hóa truyền thống

Vài ngày trước Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, Trường THCS Ô Lâm (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) tổ chức cho học sinh học gói bánh kà-tum. Đây là loại bánh truyền thống của bà con DTTS Khmer An Giang, thường xuất hiện trong dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, quy trình làm ra loại bánh này khá kỳ công, nhất là công đoạn tạo hình cho vỏ bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.

Hiện nay, rất ít người biết gói loại bánh này. Do vậy, Liên đội Trường THCS Ô Lâm đứng ra tổ chức (chủ yếu cho học sinh khối lớp 6 tham gia) với mong muốn các em có thể trực tiếp trải nghiệm, gói được loại bánh truyền thống của dân tộc. Từ đó, các em sẽ là người nối tiếp, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp. Cô Vanh Ma Lai (giáo viên Tổng phụ trách Đội nhà trường) cho biết, hoạt động được lên kế hoạch tổ chức rất bài bản, tái hiện không khí chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Cụ thể, nhà trường mời bà Néang Phương (nghệ nhân gói bánh kà-tum ở địa phương) hướng dẫn các em gói bánh. Bên cạnh đó, hoạt động được tổ chức tại sân chùa, vì theo phong tục, các dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS Khmer luôn gắn bó với nhà chùa - nơi lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. “Khi được đến chùa tham gia trải nghiệm, được nghệ nhân hướng dẫn gói bánh, các em chăm chú theo dõi. Có thể nói, bánh kà-tum thật sự rất khó gói. Vậy mà chỉ trong 1 buổi học, khoảng 5 em học sinh có thể gói được. Tuy không được đẹp, nhưng dù sao các em cũng hiểu sơ lược và biết cách gói, xem như phần nào đạt mục tiêu đề ra” - cô Vanh Ma Lai chia sẻ.

Nhờ hoạt động trải nghiệm thực tế, các em được rèn luyện khả năng giao tiếp với đám đông, tự tin thể hiện mình. Đây đều là những kỹ năng cần thiết, giúp ích rất nhiều cho các em trong học tập, phát triển sau này.

ÁNH NGUYÊN