Tạo lá chắn cho cơ thể bằng măng cụt

26/10/2019 - 14:16

Măng cụt đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, có đặc tính kháng viêm, chống ô xy hóa, kháng khuẩn cũng như cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể.

Măng cụt cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể

100 gr măng cụt chứa 73 kcal năng lượng và 80,94 gr nước, theo chuyên san Nutrients. Ngoài ra, măng cụt còn giàu chất xơ; khoáng chất như kẽm, ma giê, can xi, sắt, kali và vitamin các loại như A, B, C.

Giảm thiểu ô xy hóa cơ thể. Măng cụt là một nguồn dồi dào chất chống ô xy hóa như folate và vitamin C. Loại trái cây này cũng chứa xanthone, hợp chất thực vật độc đáo với đặc tính chống ô xy hóa mạnh, giúp giảm thiểu tình trạng ô xy hóa trong cơ thể, theo nghiên cứu đăng trên Journal of Food Science and Technology.

Tăng cường khả năng miễn dịch. Các chất chống ô xy hóa xanthone và vitamin C có trong măng cụt giúp nâng hệ miễn dịch. Theo nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Food Science and Technology, chất xanthone chống các gốc tự do trong khi vitamin C thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Thúc đẩy sức khỏe của tim. Măng cụt có nhiều khoáng chất như đồng, ma giê, kali và mangan, giúp điều hòa huyết áp để thúc đẩy trái tim khỏe mạnh. Loại quả này cũng ngăn ngừa sự khởi đầu của các vấn đề về tim mạch khác như đau tim, theo chuyên san Nutrients.

Ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm. Xanthone và hàm lượng chất xơ cao trong măng cụt ngăn ngừa nguy cơ mắc một số rối loạn do viêm như hen suyễn, viêm gan, dị ứng, chấn thương, cảm lạnh…, theo chuyên san Food and Chemical Toxicology.

Duy trì làn da khỏe mạnh. Đặc tính chống ô xy hóa của măng cụt bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím. Ngoài ra, nghiên cứu được công bố trên chuyên san Journal of Clinical Biochemistry and Nutrition cho thấy vitamin C và đặc tính chống vi khuẩn của măng cụt giúp điều trị mụn trứng cá, mang lại vẻ sáng bóng tự nhiên cho da.

Điều trị các vấn đề về tiêu hóa. Hàm lượng chất xơ cao trong măng cụt giúp giảm táo bón, hạn chế tiêu chảy nhờ tăng lượng lợi khuẩn prebiotic.

Chống béo phì. Măng cụt có nhiều chất xơ, ít calo, không chất béo bão hòa và không cholesterol, giúp chống tăng cân.
Kiểm soát đái tháo đường. Ăn măng cụt hằng ngày có hiệu quả trong việc giảm kháng insulin trong cơ thể nhờ sự hiện diện của xanthone. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Làm lành vết thương. Lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu trong măng cụt giúp vết thương mau lành. Vỏ và lá măng cụt thường được sử dụng để làm thuốc chữa vết thương nhờ có đặc tính phục hồi nhanh, theo chuyên san Food Science & Nutrition.

Ngăn rối loạn kinh nguyệt. Các dưỡng chất của măng cụt giúp kinh nguyệt đều đặn và làm giảm các triệu chứng liên quan đến tiền kinh nguyệt.

Có đặc tính làm se. Tính chất làm se của măng cụt đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Clinical and Diagnostic Research, măng cụt giúp chữa các vấn đề về miệng và lưỡi như bệnh tưa miệng (nhiễm trùng nấm men) và loét lở miệng. Nó cũng chữa đau ở vùng nướu.

Các tác dụng phụ

Nếu dùng với số lượng lớn, măng cụt có thể làm chậm quá trình đông máu. Ăn măng cụt có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau phẫu thuật. Theo WebMD, ngừng ăn măng cụt 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Hiện không có đủ thông tin đáng tin cậy về việc ăn măng cụt có an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú hay không. Tuy nhiên để an toàn, nên tránh ăn trong giai đoạn này, theo chuyên san Food Science & Nutrition.

Ăn quá nhiều măng cụt có thể làm giảm phản ứng của hệ thần kinh trung ương.

Tránh ăn nếu bạn có hội chứng ruột kích thích, quá mẫn cảm và gặp một số loại dị ứng sau khi ăn măng cụt; tránh cho trẻ sơ sinh uống nước ép măng cụt.

Theo NHẤT LINH (Thanh Niên)

 

Liên kết hữu ích