Mỏ dầu khí El-Sharara của Libya. (Nguồn: Reuters)
Ngày 4-3, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) đã thông báo dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng đối với mỏ dầu El-Sharara, cũng là mỏ dầu lớn nhất ở nước này.
Theo thông báo, NOC đã ra quyết định trên sau khi quân đội miền Đông Libya đang kiểm soát mỏ dầu cam kết đẩy lui các tay súng và tiến hành các biện pháp tăng cường an ninh.
Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla cho biết tập đoàn đã nhận được đảm bảo rằng an ninh tại khu vực đã được phục hồi và các nhân viên có thể quay lại làm việc.
Ông nhấn mạnh diễn biến vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc NOC giữ được sự trung lập và không bị bất kỳ lực lượng vũ trang nào chiếm đóng và kiểm soát. Tập đoàn cũng xác nhận việc nối lại việc sản xuất dầu, cũng như việc thực hiện công tác bảo trì.
Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã hoan nghênh quyết định trên của NOC, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia và đảm bảo môi trường an toàn đối với toàn bộ các nhân viên vì lợi ích của người dân Libya.
Cùng ngày, Phó Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Libya Maria do Valle Ribeiro cam kết sẽ ủng hộ miền Nam Libya và thúc đẩy sự hiện diện của tổ chức này tại khu vực.
Theo UNSMIL, phát biểu trên đã đưa ra trong cuộc họp với các quan chức thành phố Sabha, thành phố miền Nam lớn nhất Libya.
Miền Nam Libya đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do thiếu thốn các dịch vụ cơ bản, tình trạng thất nghiệp, tội phạm và nhập cư bất hợp pháp.
Kể từ giữa tháng 1 vừa qua, quân đội miền Đông Libya đã mở chiến dịch quân sự chống tội phạm và khủng bố tại miền Nam quốc gia châu Phi này.
Tính đến thời điểm này, quân đội đã kiểm soát được phần lớn khu vực.
Mỏ dầu El-Sharara, nằm dưới sự điều hành của NOC và 4 công ty năng lượng châu Âu, có công suất khoảng 315.000 thùng/ ngày, tương đương 1/3 sản lượng hiện tại của Libya.
Tháng Hai vừa qua, quân đội Libya ở miền Đông tuyên bố đã giành quyền kiểm soát mỏ dầu Sharara, phía Nam thủ đô Tripoli và có công suất hơn 300.000 thùng dầu/ngày.
Trước đó, việc các tay súng chiếm đóng mỏ dầu này đã gây thất thu tới 1,8 tỷ USD.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Haftar hậu thuẫn.
GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.
Theo ĐĂNG ÁNH (TTXVN/Vietnam+)