Nhà máy xử lý khí Dinh Cố. (Ảnh: PV-Vietnam+)
Sáu thập kỷ qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Bacu (nước Cộng hòa Azecbaigian thuộc Liên Xô cũ) đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam, các thế hệ người lao động của PetroVietnam đã xuất sắc hoàn thành ý nguyện của Người và đang tiếp tục hướng về phía trước.
Những bài học quý báu
Được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, PetroVietnam trải qua các thời kỳ với mô hình hoạt động khác nhau: Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
Đến nay, PetroVietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến công nghiệp khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, công nghiệp lọc hóa dầu, tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, PetroVietnam đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và người lao động có trình độ chuyên môn vững vàng, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
PetroVietnam cũng tích cực phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau, Dung Quất-Quảng Ngãi, Vũng Áng-Hà Tĩnh, Nghi Sơn-Thanh Hóa...
Ngày 19-01-2006, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 41-KL-TW về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 làm tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh của ngành Dầu khí.
Theo đó, từ tháng 8-2006, PetroVietnam đã chuyển đổi thành công mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong toàn Tập đoàn, bắt đầu chặng đường phát triển rực rỡ nhất, mạnh mẽ nhất, tạo nên một nền Công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh của Việt Nam như ngày hôm nay.
Mười năm thực hiện Kết luận 41-KL-TW của Bộ Chính trị, PetrovVietnam đã đạt được những thành tích to lớn, khẳng định vị trí là tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước. PetroVietnam đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu chiến lược đề ra. Tốc độ phát triển, tiềm lực về vốn, năng lực điều hành... của PetroVietnam đã được khẳng định qua thực tiễn.
Theo đại diện PetroVietnam, Tập đoàn luôn xác định tổ chức cơ sở Đảng các cấp là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên và người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng đội ngũ, giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.
Nguồn nhân lực của PetroVietnam được đào tạo toàn diện, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, khoa học công nghệ, tay nghề. Tập đoàn có chính sách đúng đắn, cụ thể, thống nhất, ổn định, bình đẳng và gắn bó về con người.
"Petrovietnam xác định rõ, tập thể lãnh đạo phải có tri thức khoa học, kỹ năng quản lý, có tinh thần đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu phát triển bền vững của Petrovietnam và đất nước,” đại diện Tập đoàn cho hay.
Cũng theo đại diện Tập đoàn, Kết luận 41-KL-TW đã chỉ rõ, dầu khí là tài nguyên không tái tạo, do đó phải tổ chức khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước và tăng cường đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài.
PetroVietnam luôn coi việc xây dựng và phát triển bền vững ngành công nghiệp dầu khí có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do vậy, đồng thời với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển, PetroVietnam đã thực hiện tốt vai trò của tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, tăng cường hợp tác, hỗ trợ các ngành, địa phương cùng phát triển.
Hướng đến tương lai rộng mở
Ngày 23-7-2015, trong bối cảnh mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà phải vươn ra nước ngoài.
Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí năm 1993, sau đó hai lần thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí (năm 2000 và năm 2008). Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí trong các lĩnh vực: Điều tra cơ bản; đấu thầu dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí (kể cả xử lý, thu gom, tàng trữ, vận chuyển dầu khí trong khu vực khai thác cho tới điểm giao nhận và các hoạt động dịch vụ dầu khí)…. Nghị quyết số 41-NQ-TW đã thực sự mở ra vận hội mới cho sự phát triển của Petrovietnam, tạo động lực lớn cho ngành Dầu khí.
Các nghị định của Chính phủ đã tạo ra khung khổ pháp lý, quy định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực: Đấu thầu dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; thực hiện hoạt động dầu khí; trữ lượng và phát triển mỏ; thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thỏa thuận khác được ký kết với Petrovietnam hoặc với Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí.
Tuy nhiên, 6 năm qua cũng là thời kỳ PetroVietnam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành.
Công nghiệp Dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ nửa cuối năm 2014 đến nay khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kép dài, có lúc chỉ bằng 1-3 so với giai đoạn thực hiện Kết luận 41-KL-TW, thậm chí có lúc chỉ còn 1-5, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD-thùng).
Ngoài ra, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của PetroVietnam. Công tác quản lý nhà nước về dầu khí, các chính sách phục vụ phát triển bền vững còn bất cập, thiếu thống nhất.
Đại diện PetroVietnam chia sẻ, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ-TW của Bộ Chính trị, với bản lĩnh, đoàn kết và ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động dầu khí đã nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Kết quả, tổng doanh thu toàn PetroVietnam giai đoạn 2015-2020 đạt 3.514,6 nghìn tỷ đồng, vượt 6,5% chỉ tiêu; lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PetroVietnam đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, vượt 6,3% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; nộp ngân sách nhà nước đạt 614,3 nghìn tỷ đồng.
Tổng tài sản của PetroVietnam không ngừng tăng, từ gần 147.000 tỷ đồng khi bắt đầu hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế năm 2006, đến ngày 30-6-2020 tăng lên 852.341 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu từ hơn 98.000 tỷ đồng tăng lên 476.663 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khắc nghiệt do đại dịch COVID-19 và biến động thị trường, với nỗ lực cao của cả hệ thống cùng với phát huy kinh nghiệm, hiệu quả công tác quản trị, linh hoạt trong điều hành, có sự chuẩn bị và bắt nhịp tốt với thị trường, trong 10 tháng đầu năm 2021, PetroVietnam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với PetroVietnam.
Giàn Tam Đảo. (Ảnh: PV-Vietnam+)
Trên tất cả các giàn khoan, dự án, công trường, cơ sở hoạt động dầu khí, cán bộ, người lao động Dầu khí chủ động, tiên phong thực hiện chiến lược vaccine + 5k cùng nhiều biện pháp sáng tạo, quyết liệt duy trì trạng thái bình thường, an toàn ổn định; không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược, góp phần bình ổn thị trường; chủ động giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực, đóng góp cao cho ngân sách Nhà nước và góp phần giữ gìn an ninh quốc gia trên biển.
Kết quả khai thác dầu thô tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch. Từ đó, PetroVietnam đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đầu năm là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, những đóng góp quan trọng của PetroVietnam thể hiện nỗ lực rất lớn của Tập đoàn, các đơn vị thành viên và gần 60.000 người lao động Dầu khí.
Năm 2021, người lao động Dầu khí tự hào hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27-11-1961- 27-11-2021) với nhiều hành động thiết thực, đồng thời kỳ vọng Nghị quyết 41-NQ-TW của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào thực tế, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của ngành Dầu khí trong các giai đoạn tiếp theo.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn khẳng định, nhìn lại lịch sử xây dựng và phát triển cho thấy, các thế hệ người lao động Dầu khí luôn vững vàng vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn và sóng gió, để ngành Dầu khí có được những bước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Sức mạnh đó có được là nhờ sự đúc kết truyền thống và tinh hoa của những người đi tìm lửa.
“Trong điều kiện hiện nay, cách tri ân tốt nhất với lớp người đi trước là kế thừa, phát huy truyền thống và văn hóa Dầu khí, hành động với phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Sáng tạo-Hiệu quả”, không ngừng bồi đắp khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ, giữ lửa nhiệt huyết trong tim, làm tròn trách nhiệm tìm dầu, phát triển chuỗi giá trị năng lượng để làm giàu cho Tổ quốc,” lãnh đạo PetroVietnam nói.
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, việc hoàn thiện thể chế để ngành Dầu khí tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới càng trở nên cấp thiết.
Đại diện PetroVietnam kiến nghị Nghị quyết số 41-NQ-TW cần được thực hiện đồng bộ với Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55-NQ-TW ngày 11-2-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Người Dầu khí luôn mong muốn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dầu khí được đồng bộ; có cơ chế, chính sách phù hợp để PetroVietnam phát triển bền vững,” đại diện Tập đoàn đề xuất.
Cụ thể, theo thông lệ quốc tế, cần tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực cốt lõi - thăm dò, khai thác dầu khí; chính sách thu hút đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần có sự thay đổi theo hướng ổn định và mở hơn, khuyến khích hơn, đặc biệt trong tình hình hiện nay, để vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông vừa thu hút được vốn, công nghệ tiên tiến từ quốc tế.
Trong khi đó, Luật Dầu khí của nước ta được ban hành từ năm 1993 và đã được sửa đổi, bổ sung hai lần, song đến nay có nhiều quy định không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Luật Dầu khí hiện hành phải dẫn chiếu nhiều luật sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản dưới luật quy định chi tiết thi hành đã điều chỉnh các quy định về ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Dầu khí cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Dầu khí mới là rất cấp thiết.
Theo Vietnam+