Tập hợp thanh niên làm kinh tế

09/09/2020 - 06:29

 - Góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang) đã và đang triển khai nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) phát triển kinh tế thu hút các bạn trẻ tham gia hiệu quả.

Cơ sở sản xuất chổi của bạn Nguyễn Ngọc Nhân

Việc đưa ra các mô hình xuất phát từ yêu cầu làm thế nào để tổ chức sinh hoạt, hoạt động của Đoàn, Hội gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đặc biệt, việc phát triển nghề tại địa phương góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho lao động thanh niên là việc làm cần thiết. Từ điều kiện tự nhiên mỗi nơi mà có mô hình phù hợp, như: nghề làm mộc (xã Hòa Lạc), tổ phun xịt dịch vụ nông nghiệp (xã Hiệp Xương), thanh niên sản xuất rèn (xã Phú Mỹ)…

Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh cho biết, bằng cách liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, cách làm ăn, thanh niên ở các địa phương được tập hợp thành các CLB đặc thù theo nghề nghiệp dưới sự hỗ trợ, theo dõi thường xuyên của Huyện đoàn. Đến nay, 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân có CLB thanh niên làm kinh tế hiệu quả.

Hàng năm xét theo hiệu quả của mô hình, các cơ sở Đoàn linh hoạt chuyển đổi nghề mới và tập hợp đoàn viên tham gia. Qua CLB, ĐVTN được giới thiệu chỗ học nghề, nơi làm việc hoặc hỗ trợ vốn để cùng nhau làm ăn, chủ yếu là các nghề nghiệp truyền thống có sẵn tại địa phương, giúp thanh niên giải quyết nhiều nhu cầu bức thiết khi khởi nghiệp: hiểu biết rõ công việc, sản xuất tại chỗ, thu nhập ổn định, có đầu ra nhờ uy tín và danh tiếng của làng nghề.

Điển hình CLB thanh niên làng nghề khởi nghiệp tại xã Phú Bình có 4 thành viên tham gia, trong đó có 2 thanh niên là bộ đội xuất ngũ. Nhờ điều kiện địa phương có làng nghề truyền thống bó chổi lâu đời, các bạn có sẵn tay nghề từ gia đình, riêng bạn Nguyễn Ngọc Nhân đã phát triển cơ sở của mình thành ý tưởng khởi nghiệp dự thi cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích. Sau khi dự thi, Nhân được Trung tâm Khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng đầu tư thêm cơ sở, các thành viên còn lại được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền từ 30-50 triệu đồng.

Ngoài những thanh niên đã lựa chọn vào CLB, Xã đoàn hướng tới những thanh niên trong độ tuổi lao động để đưa vào các lớp dạy nghề nông thôn, sau khi học có việc làm tại chỗ, thu nhập 2-4 triệu đồng tùy vào tay nghề. Ngọc Nhân cho biết, riêng tại cơ sở của bạn hiện mỗi ngày sản xuất trên 1.000 cây chổi thành phẩm, tiêu thụ hầu hết ở các thị trường trong và ngoài tỉnh, thu nhập 3 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/ngày.

Từ hiệu quả này, tháng 8-2020, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh chọn Phú Mỹ là nơi thành lập điểm Chi hội Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ có khoảng 2.152 thanh niên theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, đa phần là lao động phổ thông nên mong muốn có việc làm ổn định, được học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề và được hỗ trợ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng khác. Chi hội thành lập gồm 10 thành viên, có nhiệm vụ tập hợp những ĐVTN tôn giáo đang tham gia phát triển kinh tế tại địa phương vào sinh hoạt, qua đó giúp đỡ nhau về vốn vay, hỗ trợ đầu ra các sản phẩm, trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất - kinh doanh, nhân rộng các mô hình mới đạt hiệu quả kinh tế cao.

Từ hiệu quả đem lại cho thấy, xây dựng các mô hình làm kinh tế trong đoàn viên, hội viên, thanh niên là giải pháp hiệu quả có thể giải quyết nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế nói chung và trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên nói riêng. Thông qua cách làm này, thanh niên có thể tương trợ nhau, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần đoàn kết, tập hợp thanh niên thuận lợi hơn.

MỸ HẠNH